- Phạt “nguội” vi phạm giao thông: Tất cả vi phạm đều sẽ bị xử lý
- Không có “lỗ hổng” cho người vi phạm
- Kết nối dữ liệu hình ảnh, phạt “nóng” các lái xe vi phạm
Ông Khuất Việt Hùng (Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia): “Hà Nội là địa phương tiên phong trong phạt “nguội”
Ngay từ đầu năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành và các Ban ATGT địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đảm bảo ATGT, trong đó tăng cường việc lắp đặt hệ thống camera giám sát để xử phạt vi phạm thông qua hình ảnh (phạt “nguội”). Hà Nội là địa phương đi tiên phong cả nước thực hiện ứng dụng CNTT trong đảm bảo ATGT. Trong năm 2014, Trung tâm chỉ huy đèn giao thông của Phòng CSGT CATP Hà Nội được nâng cấp lắp đặt 500 camera, trong đó có 100 camera đo đếm phương tiện, 100 camera kiểm tra toàn bộ xe vi phạm giao thông đường bộ và 300 camera giám sát để phạt “nguội” các phương tiện vi phạm giao thông - một động thái rất tốt, cần được nhân rộng ra khắp các tuyến đường trên địa bàn Thủ đô, góp phần đảm bảo ATGT theo đúng tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.
Việc mở rộng lắp đặt hệ thống camera giám sát để phạt “nguội” cần một nguồn lực tài chính lớn. Ngoài kinh phí từ Ngân sách Nhà nước, Bộ GTVT sẽ tăng cường xã hội hóa trong lĩnh vực này. Hiện, Ủy ban ATGT Quốc gia đang xây dựng Đề án xã hội hóa trong việc tham gia lắp đặt hệ thống camera giám sát để đảm bảo ATGT, trong đó đề xuất nhà đầu tư tham gia sẽ được trích lại một phần kinh phí xử phạt “nguội” để hoàn vốn. Để làm được điều này, chúng ta phải có cơ chế, để các nhà đầu tư xã hội hóa thấy được quyền và lợi ích của mình khi tham gia đầu tư.
Thiếu tá Huỳnh Tấn Nam (Đội trưởng Đội Quản lý đèn tín hiệu giao thông - Phòng CSGT Hà Nội): “Tạo bước đột phá trong đảm bảo trật tự ATGT”
Việc triển khai lắp đặt, đưa vào sử dụng hệ thống camera quan sát, xử lý vi phạm Luật Giao thông trên địa bàn thành phố trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Đối với hệ thống camera quan sát, các CBCS trong Trung tâm chỉ huy điều hành giao thông của Phòng CSGT đường bộ-đường sắt CATP Hà Nội dễ dàng quan sát, nhận biết, nắm bắt được tất cả tình hình giao thông trên toàn thành phố.
Đặc biệt, tình hình giao thông được cập nhật 24/24h. Từ Trung tâm chỉ huy điều hành giao thông, chúng tôi sẽ thông báo cho các đội quản lý địa bàn để nắm bắt được tình hình giao thông đang diễn ra tại khu vực đơn vị quản lý, từ đó kịp thời có biện pháp, phương án xử lý hiệu quả những sự cố, đảm bảo tuyệt đối ATGT. Cũng qua hệ thống camera quan sát, tất cả những nút, điểm nằm trong diện ùn tắc cũng như nguyên nhân xảy ra các vụ ùn ứ, TNGT đều được CSGT nắm bắt, xử lý hiệu quả.
Riêng đối với hệ thống camera xử phạt, tất cả những “thông số” vi phạm của người vi phạm từ địa điểm, thời gian, phương tiện, lỗi…đều được ghi lại chi tiết, chính xác. Các CBCS làm nhiệm vụ tại Trung tâm sẽ chuyển ngay những hình ảnh vi phạm này cho các tổ công tác tuần lưu trên đường để kịp thời dừng phương tiện vi phạm lại để xử phạt.
Bên cạnh đó, những hình ảnh này cũng được gửi tới tất cả các tổ công tác trên toàn thành phố để phối hợp xử lý phương tiện vi phạm. Phòng CSGT cũng đã có phương án và sẽ phối hợp chặt chẽ với các Trung tâm đăng kiểm, CSGT các địa phương và Cục CSGT để tăng cường tính kết nối giữa các hệ thống camera xử phạt, đồng thời có thể xử lý phương tiện vi phạm ở bất cứ đâu. Có thể khẳng định, việc lắp đặt, đưa vào triển khai xử lý vi phạm qua camera, các phương tiện vi phạm không thoát được sự kiểm tra của lực lượng chức năng.
Luật sư Trịnh Anh Dũng (Trưởng văn phòng Luật sư Trịnh): “Lường trước khó khăn trong công tác xử lý”
Phạt "nguội" người vi phạm giao thông được hiểu là CSGT căn cứ vào hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của người tham gia giao thông ghi được từ camera giám sát lắp đặt tại các nút giao thông để xử phạt theo quy định. Áp dụng hình thức phạt "nguội" người vi phạm giao thông sẽ góp phần xây dựng ý thức tự giác của người tham gia giao thông, giảm bớt tình trạng tắc đường do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, cần lường trước được một số khó khăn, vướng mắc khi thực thi trên thực tế.
Cụ thể: để xác định đúng người vi phạm giao thông và phương tiện vi phạm, Nhà nước cần có kinh phí lớn để đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát có độ phân giải cao tại các nút giao thông, hệ thống mạng và hệ thống quản lý hiện đại, cùng đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ phù hợp. Mặt khác, theo quy định của pháp luật, đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ là người điều khiển hoặc người ngồi trên phương tiện đường bộ ("phương tiện"), không phải là người đứng tên trên Giấy đăng ký phương tiện. Nên cho dù camera giám sát có xác định được chính xác phương tiện vi phạm, thì vẫn chưa đủ cơ sở để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này.
Trên thực tế, vẫn còn tình trạng người dân mua bán phương tiện trao tay qua nhiều chủ, nhưng không đăng ký sang tên chính chủ. Người đứng tên trên Giấy đăng ký phương tiện nhiều khi không biết được phương tiện do mình đứng tên hiện ai đang quản lý. Hoặc người điều khiển phương tiện chỉ là người thuê, mượn phương tiện; nên nếu hình ảnh ghi được từ camera giám sát chỉ xác định được phương tiện vi phạm mà không xác định được người điều khiển và/hoặc người ngồi trên phương tiện vi phạm thì vẫn chưa đầy đủ căn cứ để xử lý hành vi vi phạm.
Nhà báo Lưu Văn Huế (Ban Thời sự Báo Giao thông): “Hình thành “phản xạ” chấp hành luật”
Hãy thử hình dung, khi chưa có hệ thống camera giám sát để phục vụ công tác xử phạt “nguội”, nhiều người tham gia giao thông chỉ chấp hành Luật Giao thông khi có bóng dáng lực lượng làm nhiệm vụ. Thời điểm hiện tại, ở nhiều nút giao thông, ngay cả khi không có lực lượng chức năng, vi phạm của người điều khiển vẫn bị xác định qua hệ thống camera giám sát. Điều này sẽ dẫn đến sự hình thành “phản xạ” chấp hành Luật Giao thông của người dân, bởi nhân tố chính là những chiếc camera giám sát.
Một góc độ tích cực khác là thông qua camera giám sát, những hành vi vi phạm Luật Giao thông khác hoặc những vụ gây tai nạn rồi bỏ trốn, sẽ khó tránh được. Theo tôi, việc tăng cường hệ thống camera giám sát, là biện pháp văn minh, rất cần được nhân rộng nhất là ở địa bàn Thủ đô.