Cân nhắc mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân với tội rửa tiền

ANTD.VN -Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH14 sáng 20-2, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền.

Sáng nay, 20-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 7, cho ý kiến vào các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH14.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương góp ý về dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi)

tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, qua thảo luận, có ý kiến đề nghị mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với Tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và Tội rửa tiền (Điều 324).

Thường trực Ủy ban Tư pháp thấy, việc bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 2 tội trên đã được Quốc hội khóa XIII cân nhắc và xin ý kiến trước khi quyết định. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nếu không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 2 tội danh trên, có thể dẫn đến bất lợi cho Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế.

Thảo luận nội dung này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, vấn đề quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là vấn đề mới, quá trình thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng cần phải tuân theo thông lệ quốc tế. Ông cũng đồng ý với Ủy ban Tư pháp cần chế định trách nhiệm hình sự pháp nhân đối với tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền.

Đồng tình với quan điểm này, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, cần phải xem xét thêm, đánh giá kỹ vì hoạt động tài trợ khủng bố và rửa tiền là hành vi còn nguy hiểm hơn nhiều hoạt động khác.

Một nội dung lớn khác còn nhiều ý kiến chưa thống nhất trong dự thảo bộ luật này là quy định giá trị đối với hàng cấm làm căn cứ định tội, định khung hình phạt (Điều 190 và 191). Theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp, có ý kiến ĐBQH cho rằng đối với hàng phạm pháp là hàng cấm thì không có giá phổ biến trên thị trường; Nhà nước cũng không quy định giá nên không có căn cứ để xử lý hình sự.

Thượng tướng Lê Quý Vương góp ý, việc xử lý tội phạm buôn bán hàng cấm, chẳng hạn với sừng tê giác, ngà voi thì chỉ nên định lượng bởi xác định giá trị thực của các loại hàng cấm này rất khó. “Hiện chưa có tài liệu nào khẳng định tác dụng của sừng tê giác, ngà voi. Giá trị của nó xuất phát từ hoạt động ngầm trên thị trường ngầm. Việc định tính, định lượng chỉ ở mức độ tương đối” – Thứ trưởng Bộ Công an nói.

Về vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị ban soạn thảo dự luật nghiên cứu thêm cho phù hợp với thực tế và tạo điều kiện cho cơ quan tố tụng xử lý loại tội phạm buôn bán, vận chuyển hàng cấm, trước khi trình kỳ họp Quốc hội tại kỳ họp tới đây.

Cũng tại phiên làm việc sáng nay, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với phương án bỏ Điều 292 về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông khỏi Bộ luật Hình sự. Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phân tích, việc bỏ Điều 292 như ý kiến của đa số ĐBQH và với những lý do như Chính phủ đã trình là phù hợp, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn các hoạt động kinh tế hiện nay.