Cần giải pháp để chặn “làn sóng” rút bảo hiểm xã hội một lần

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần tăng tính hấp dẫn, tăng cường quyền lợi của của người lao động tham gia vào hệ thống. Người lao động sẽ tham gia và quyết định ở lại với hệ thống khi thấy rõ quyền lợi của mình sau này.

Số lao động hưởng một lần ở mức cao

Theo báo cáo đánh giá thực trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần của Bộ LĐ-TB&XH, giai đoạn 2016-2021 có 4,06 triệu người lao động rút một lần trong khi có 4,2 triệu người tham gia mới bảo hiểm xã hội. Như vậy, tỉ lệ là 1,048 người tham gia mới thì có 1 người rời khỏi hệ thống. Bình quân mỗi năm có gần 700.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần với số lượng năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trung bình khoảng 11,6%. Tổng kinh phí chi trả giai đoạn này là 131.940 tỷ đồng.

Số người rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn ở mức cao

Số người rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn ở mức cao

Người rút bảo hiểm xã hội một lần phần lớn làm việc trong doanh nghiệp với gần 2,9 triệu người (90,7%); tiếp đến là khu vực Nhà nước 257 nghìn người (8%) và lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện 38.800 người (1,2%). Lý giải điều này, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, tính chất công việc của đối tượng đóng bảo hiểm xã hội do người sử dụng lao động quyết định, trong đó chủ yếu tập trung ở khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường chịu áp lực về công việc. Người lao động có tâm lý nhảy việc, nên khi nghỉ việc, trong thời gian tìm kiếm việc làm mới phù hợp hơn thì muốn hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Bên cạnh đó, nhiều người lao động mất việc làm và phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt như chi phí sinh hoạt cho gia đình, tiền học cho con, trang trải nợ nần.

Cũng theo thống kê trên, người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tập trung đông nhất ở nhóm tuổi từ trên 30 đến đủ 40 tuổi (chiếm khoảng 40,4%). Nhóm từ 20 đến 30 tuổi chiếm 37,1%... Như vậy, người hưởng bảo hiểm xã hội một lần từ trên 20 đến 40 tuổi chiếm 77,5% tổng số người rút (tương đương 3,1 triệu người lao động trong độ tuổi trên 20 đến 40 tuổi đã rút bảo hiểm xã hội một lần trong 6 năm qua).

Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cũng chỉ ra rằng, tuổi bình quân hưởng bảo hiểm xã hội một lần của nam/nữ và tổng số thời gian đóng bảo hiểm xã hội bình quân đã có chiều hướng tăng lên hàng năm. Tuy nhiên, tuổi bình quân hưởng bảo hiểm xã hội một lần của cả nam và nữ là thấp. Từ số liệu phân tích trên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, ở giai đoạn còn trẻ, hầu hết lao động quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già. Thêm nữa, do áp lực về tài chính và sự thay đổi, gián đoạn trong công việc nên số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần bình quân đang trẻ hóa.

Sửa luật để “giữ chân” người lao động

Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội nhằm giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành, tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn trong tham gia, thụ hưởng các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, đáp ứng các yêu cầu về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Để hạn hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, ở lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội này, cơ quan soạn thảo đang nghiên cứu bổ sung quy định theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Theo đó, phương án 1 giữ nguyên quy định hiện hành. Cụ thể là, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm, người lao động sẽ được rút bảo hiểm xã hội một lần.

Phương án 2 là sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ tuổi nghỉ hưu. Cùng với đó, cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần. Nếu bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, người lao động sẽ được ngân sách Nhà nước mua bảo hiểm y tế, hưởng các quyền lợi về ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp.

Đâu là giải pháp căn cơ?

Việc siết điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần được cho là một trong những giải pháp giữ người lao động ở lại lưới an sinh. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người lao động chưa mặn mà với đề xuất mới, có ý kiến cho rằng phương án cơ quan soạn thảo đưa ra khá thiệt thòi và không công bằng với người lao động. Bàn về điều này, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần đang là nội dung được đặc biệt quan tâm.

Khi thay đổi một chính sách, cần phải đánh giá tác động một cách kỹ càng và đặt nó trong tổng thể các quy định liên quan. Về lâu dài, để giữ chân người lao động trong lưới an sinh cần duy trì việc làm bền vững, nâng cao chất lượng việc làm. Bên cạnh đó, cần có những chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người lao động lúc khó khăn.

Thời gian vừa qua, tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần tăng cao, ảnh hưởng lớn đến chính sách an sinh xã hội. Cho nên, trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần có giải pháp hạn chế nhằm bảo đảm khi về già người lao động được hưởng lương hưu. Phương án hiện nay được dự thảo đưa ra là phương án khả thi, đạt được bản chất của bảo hiểm xã hội một lần và đáp ứng nhu cầu linh hoạt, cấp bách của một bộ phận người lao động do mất việc làm cần trang trải trước mắt.

Không ủng hộ việc cho rút bảo hiểm xã hội một lần, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, nhiều nước đã có quy định hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, bởi việc này ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề an sinh. Có thể do nhu cầu trước mắt, khó khăn đời sống nên người lao động cần rút, nhưng đến khi hết tuổi lao động sẽ khó có thể lấy nguồn để sinh sống. Nếu giữ nguyên quy định hiện hành thì số người rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn gia tăng, tỉ lệ bao phủ của bảo hiểm xã hội tăng rất chậm.

Khi 2 người vào hệ thống bảo hiểm xã hội mà có 1 người rút ra sẽ làm cho lưới an sinh rất mỏng. Song với phương án giữ lại 50% tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội, ông Phạm Minh Huân cho rằng, có thể nhận phản ứng từ người lao động. Cơ quan quản lý phải quy định rõ, khoản tiền bảo lưu nhiều năm trong quỹ cần được minh bạch, đầu tư sinh lời hiệu quả và người lao động phải được chia sẻ phần lãi. Khi biết tiền đóng sinh lời, lao động sẽ yên tâm để trong quỹ, không vội vàng rút một lần. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền để người dân thấy được đây là chính sách nhằm đảm bảo cho cuộc sống về già của chính họ.

Nói thêm về nội dung này, ông Lê Đình Quảng cho rằng, khi thay đổi một chính sách, cần phải đánh giá tác động một cách kỹ càng và đặt nó trong tổng thể các quy định liên quan. Về lâu dài, để giữ chân người lao động trong lưới an sinh cần duy trì việc làm bền vững, nâng cao chất lượng việc làm. Bên cạnh đó, cần có những chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người lao động lúc khó khăn.