Cần đi học trước khi nói vớ vẩn

ANTĐ - Một số người với những động cơ khác nhau, nhưng chắc chắn không đồng lòng với đại đa số người dân Việt Nam đang mong muốn một sự ổn định. Họ đang có những hoạt động phức tạp nhằm chống những biện pháp quản lý Internet một cách chính đáng của Nghị định 72/CP. Họ tự phong họ là đại diện cho mạng lưới blog Việt Nam, mặc dù họ chỉ là vài blog lẻ loi luôn tỏ thái độ hằn học với đất nước, luôn tuyên truyền chống lại chủ trương chính sách Nhà nước. 

Họ kích động những mâu thuẫn xã hội, mong muốn biến các mâu thuẫn, bao giờ cũng có trong xã hội, trở thành các vụ càng phức tạp càng tốt. Họ tổ chức đưa những kiến nghị tới các tòa đại sứ nước ngoài tại Việt Nam với mong muốn các nước bạn ngừng các dự án giúp đỡ nhân dân Việt Nam. Với đông đảo người hiểu biết, những trò vè của họ chỉ đáng để buồn cười, nhưng với những người nghèo đang thụ hưởng những dự án đầy tính nhân văn của các nước bạn thì họ đã biến thành kẻ thù.

Người đăng đàn nhiều nhất chống các biện pháp quản lý internet của Nhà nước đã lớn tiếng: Chống lại các chủ trương của Nhà nước là quyền cá nhân của anh ta (!) Hãy nghe anh ta tuyên bố: “Nghị định không phải là luật. Thời trước kia ở những năm đầu thế kỷ 20 nó được gọi là sắc lệnh”, và “cai trị” có nghĩa là quản lý xã hội bằng nghị định là vi phạm quyền tự do các nhân của anh ta và những người cùng ý chí chống đối Nhà nước như anh ta. Với một trình độ không phân biệt nổi nghị định và sắc lệnh lại to tiếng thì có lẽ trước khi có những biện pháp giáo dục chính trị cần cho anh ta đi học lại phổ thông. Từ điển mở Wiktionary định nghĩa như sau: “Mệnh lệnh, văn bản do Chủ tịch hay Tổng thống một nước ban hành, quy định những điều quan trọng, có giá trị như pháp luật, tất cả mọi người phải tuân theo”. Còn nghị định là một văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành để hướng dẫn thi hành một luật nào đó, mọi người phải tuân theo. 

Nhưng tại sao anh ta không cần hiểu biết mà vẫn cứ đăng đàn diễn thuyết trên chính blog của anh ta. Bởi cái sự hằn học đã ăn sâu vào tim não, bởi tấm vé trên chuyến tàu ảo vọng mà anh ta hy vọng sẽ lật đổ được chính quyền nhân dân này, để có thể đem lại cho anh ta những quyền lợi sau này chăng? Thái độ này cùng những ảo vọng này được anh ta lạnh lùng tuyên bố khi lên án Nghị định 72/CP: “Điều 21 khoản 5 buộc các cá nhân cung cấp, tán phát thông tin trên mạng phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật. Một trong những cái gọi là “quy định pháp luật” được giới thiệu ở khoản 1 điều 21, đó là “các quy định pháp luật về xuất bản, báo chí”. Một cách lập lờ, nghị định này đã đưa những cá nhân người sử dụng Intenert phải theo quy định pháp luật của Luật Báo chí nước CHXHCN Việt Nam”. Anh ta biết rõ Nghị định 72/CP chỉ áp dụng cho người Việt Nam và có hiệu lực trong lãnh thổ Việt Nam như mọi văn bản quy phạm pháp luật khác, nhưng anh ta đã đưa anh ta ra ngoài pháp luật khi tuyên bố không cần tuân theo quy định pháp luật Việt Nam trong khi anh ta đang sống tại Việt Nam và đang nói tiếng Việt, viết tiếng Việt và hưởng thụ mọi quyền lợi an sinh xã hội của Nhà nước Việt Nam. Đó là những hành vi cần được lên án.