Cần có quy hoạch làng nghề

(ANTĐ) - 100% mẫu nước thải ở các làng nghề được khảo sát có thông số vượt tiêu chuẩn cho phép. Nước mặt, nước ngầm đều có dấu hiệu ô nhiễm ở các mức độ khác nhau. Môi trường không khí ô nhiễm cục bộ, đặc biệt là ô nhiễm bụi... Đó là những phác thảo chính trong bức tranh màu xám về tình trạng môi trường tại rất nhiều làng nghề ở Việt Nam.

Cần có quy hoạch làng nghề

(ANTĐ) - 100% mẫu nước thải ở các làng nghề được khảo sát có thông số vượt tiêu chuẩn cho phép. Nước mặt, nước ngầm đều có dấu hiệu ô nhiễm ở các mức độ khác nhau. Môi trường không khí ô nhiễm cục bộ, đặc biệt là ô nhiễm bụi... Đó là những phác thảo chính trong bức tranh màu xám về tình trạng môi trường tại rất nhiều làng nghề ở Việt Nam.

Các làng nghề tái chế kim loại bị ô nhiễm nặng nề nhất
Các làng nghề tái chế kim loại bị ô nhiễm nặng nề nhất

Ô nhiễm gây nhiều bệnh tật

GS-TS Đặng Kim Chi - Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, tùy theo mặt hàng sản xuất, mỗi loại làng nghề lại có những ảnh hưởng ô nhiễm khác nhau tới môi trường. Làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm, dệt nhuộm ô nhiễm nước thải nặng nề do chứa nhiều hóa chất, chất thải trong khi làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng, thủ công mỹ nghệ do sử dụng nhiều than, củi, dung môi hữu cơ... nên ô nhiễm không khí, nước nhiễm kim loại nặng... Kinh khủng nhất là các làng nghề tái chế chất thải như nhựa, giấy, kim loại. Môi trường không khí, nước, đất đều bị ô nhiễm nghiêm trọng với các chỉ số môi trường vượt mức cho phép từ 10-12 lần!

Hầu hết lao động làng nghề đều không được trang bị bảo hộ lao động trong khi điều kiện lao động như độ ồn, ánh sáng, độ rung, độ ẩm, nhiệt độ... lại không đạt tiêu chuẩn. Đơn cử, nhiệt độ tại khu vực sản xuất của các làng nghề làm bún, bánh, tái chế nhựa, giấy đều lớn hơn nhiệt độ môi trường từ 4-10 độ C.

Ô nhiễm môi trường ở các làng nghề ảnh hưởng rõ rệt tới sức khỏe người lao động, dân cư trong làng cũng như khu vực xung quanh. Tỷ lệ mắc bệnh của người dân làng nghề cao hơn hẳn làng thuần nông với các bệnh thường gặp như: hô hấp, đau mắt, đường ruột, ngoài da... Một vài làng nghề có đặc thù sản xuất dẫn tới một số bệnh mạn tính nguy hiểm như ung thư, quái thai, nhiễm độc kim loại nặng... Chẳng hạn, tại làng tái chế chì Đông Mai (Hưng Yên), 100% người lao động bị nhiễm chì; 65,6% mắc bệnh đường hô hấp. Tương tự, tại làng sản xuất rượu Vân Hà (Bắc Giang), có tới 68,5% người lao động mắc bệnh ngoài da; 58,8% mắc bệnh đường ruột.

Đã xử lý, vẫn... ô nhiễm

Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, thành phố có tới gần 1.000 làng nghề hoặc làng có nhiều ngành nghề, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Chỉ riêng huyện Chương Mỹ đã có tới 180 làng nghề tiềm ẩn ô nhiễm môi trường. Tại cuộc kiểm tra mới đây của HĐND TP Hà Nội tại làng nghề Phú Vinh (Chương Mỹ), UBND xã Phú Nghĩa cho biết, hơn 90% số hộ trong xã làm nghề mây tre đan xuất khẩu nên môi trường bị ô nhiễm bởi các loại hóa chất sử dụng trong gia công.

Nước thải của làng nghề này không hề được xử lý và xả thẳng ra cống rãnh. Hiện nay, xã vẫn chưa có điểm tập kết rác sinh hoạt. Cử tri của xã từng nhiều lần kiến nghị hỗ trợ làng nghề kinh phí để thu gom, xử lý nước thải và khí thải nhưng tình hình chuyển biến rất chậm.

Ngay lãnh đạo xã cũng thừa nhận, “ô nhiễm tuy chưa nặng nề nhưng mùi lưu huỳnh, cống rãnh và rác thải sinh hoạt đã khiến hầu hết khách nước ngoài đến du lịch làng nghề đều không muốn ở lại qua ngày”. Tương tự, tại làng nghề Triều Khúc, mặc dù công tác bảo vệ môi trường được triển khai khá bài bản nhưng ô nhiễm về nước thải, rác thải, không khí, tiếng ồn… vẫn nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân.

Giữ môi trường bằng Hương ước

Các chuyên gia về môi trường cho rằng, để giảm thiểu ô nhiễm cho làng nghề, cần nhiều giải pháp tổng thể về chính sách, công nghệ, tuyên truyền giáo dục, quản lý... Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, GS-TS Đặng Kim Chi cho rằng, đối với ô nhiễm làng nghề, phải có những đặc thù khác với ô nhiễm ở khu công nghiệp, khu chế xuất...

Bởi, với đặc điểm hạ tầng yếu kém ở làng nghề, ngay những chuyên gia giỏi nhất cũng không thể tính toán tách bạch ô nhiễm do hoạt động sản xuất với ô nhiễm do sinh hoạt gây ra. Tương tự, ô nhiễm do hộ sản xuất này với hộ sản xuất kia gây ra cũng không thể phân định rõ ràng.

Theo GS-TS Đặng Kim Chi, “chính vì thế, các chính sách bảo vệ môi trường vĩ mô hay chế tài xử lý thường “chào thua” làng nghề”. “Bảo vệ môi trường làng nghề phải do chính người dân tham gia, kết hợp với hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức, cơ quan chuyên môn. Do đó, nếu đưa được các quy định bảo vệ môi trường vào Hương ước của làng, hiệu quả sẽ tăng lên rất nhiều...” - GS-TS Đặng Kim Chi đề xuất.

Bên cạnh các chính sách giải pháp mang tính cấp bách, các nhà khoa học cho rằng, phải sớm có quy hoạch tổng thể về làng nghề, nhất là đối với những địa phương có số lượng làng nghề rất lớn như Hà Nội. Nếu không được quy hoạch, các làng nghề vẫn sẽ phát triển tự phát, thì, ngoài việc tiếp tục gây ô nhiễm môi trường, làng nghề sẽ không thể phát triển bền vững, thậm chí có nguy cơ bị xóa sổ khi nguồn nguyên vật liệu đầu vào, thị trường đầu ra... biến động mạnh.

 Thành Nam