Cần có chế tài nghiêm khắc với cá nhân cố tình không tiêm vaccine phòng Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Kết luận cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu nghiên cứu chế tài xử lý với những người không tiêm vaccine Covid-19, trừ những người chống chỉ định tiêm. Vậy, pháp luật hiện hành quy định về vấn đề này ra sao?

Theo Khoản 1, Điều 29 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định, việc sử dụng vaccine bắt buộc trong các trường hợp: “Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vaccine, sinh phẩm y tế phòng bệnh.

Trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng. Cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em và mọi người dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ sở y tế có thẩm quyền trong việc sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc.

Ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 447/QĐ-TTg công bố dịch COVID-19. Theo đó, đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Như vậy, người dân có trách nhiệm tiêm vaccine đối với các loại bệnh nằm trong danh mục bệnh truyền nhiễm bắt buộc. Cơ quan chức năng có quyền yêu cầu người trong diện cần tiêm chủng đi tiêm chủng đặc biệt ở vùng dịch. Trường hợp người bị yêu cầu từ chối, không chịu tiêm chủng sẽ bị xử phạt - Luật sư Lê Hồng Vân, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Nhiều người cao tuổi vẫn tự giác đi tiêm vaccine phòng Covid-19

Nhiều người cao tuổi vẫn tự giác đi tiêm vaccine phòng Covid-19

Điểm Khoản 2 điều 9 Nghị định 117/2020/NĐ-CP nêu rõ, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vaccine, sinh phẩm y tế phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Tiêm vaccine là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người dân, nó làm giảm thiểu nguy cơ rủi ro đối với những người nhiễm bệnh và tạo ra miễn dịch cộng đồng. Do đó, mỗi người dân nên tự giác đi tiêm vaccine để bảo vệ sức khỏe.

Với những trường hợp không có lý do chính đáng như bị chống chỉ định tiêm, cơ quan chức năng cần áp dụng các biện pháp mạnh ngoài phạt tiền như không được ra đường và tham gia các hoạt động khác tại nơi công cộng nếu chưa tiêm đủ 2 mũi, trường hợp mắc bệnh thì phải trả tiền điều trị và làm lây lan dịch bệnh cho người khác gây hậu quả nghiêm trọng, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý hình sự - Luật sư Hồng Vân đề xuất.

Vị Luật sư này cũng cho rằng, từ 2017, Bộ Y tế đã có Thông tư 38/TT-BYT ban hành "Danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc". Do danh mục này ban hành trước khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 447/QĐ-TTg về công bố dịch Covid-19, nên trong danh mục của Bộ Y tế chưa có bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19). Để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật, Bộ Y tế cần ban hành Thông tư mới thay thế cập nhật nội dung phù hợp với nhiệm vụ phòng, chống dịch trong tình hình mới.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, trên thế giới, Áo là nước đầu tiên áp lệnh hạn chế với người chưa tiêm vaccine Covid-19. Hiện Chính phủ Áo đang chuẩn bị cơ sở pháp lý để quy định tiêm vaccine bắt buộc nói chung có thể có hiệu lực từ ngày 1/2/2022 và quy định này chỉ miễn trừ cho những người không thể tiêm vaccine vì lý do sức khỏe.

Mặc dù độ tuổi được yêu cầu tiêm chủng vẫn chưa được xác định, nhưng tất cả những người từ chối tiêm có khả năng bị phạt hành chính, thậm chí phạt tù nếu không nộp phạt.