Cần cách nhìn đa chiều

ANTĐ - Cuộc hội thảo “Phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều, kinh nghiệm quốc tế và khả năng áp dụng ở Việt Nam” do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với chương trình Phát triển Liên hợp quốc tổ chức, lần đầu tiên đưa ra phương pháp tiếp cận mới trong công cuộc giảm nghèo bền vững ở nước ta. Mặc dù đã có tới 30 chính sách hỗ trợ người nghèo, song số người cận nghèo còn rất lớn và có nguy cơ cao từ cận nghèo tụt xuống mức nghèo do suy giảm kinh tế, thiên tai. 

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, trong hai năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam giảm hơn 2%/năm; trên 1 triệu hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để sản xuất; hơn 21,4 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn, góp phần đưa 2,9 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Báo cáo nhận định, bước khởi đầu của Việt Nam khá tốt, thành tựu rất ấn tượng nhưng vẫn tồn tại những thách thức, trở ngại cả trước mắt và lâu dài.

Những người nghèo ngày càng khó tiếp cận với các điều kiện giảm nghèo chung do không theo kịp tốc độ gia tăng của các điều kiện này, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số. Ngân hàng Thế giới từng cảnh báo, tỷ lệ giảm nghèo của Việt Nam nhanh nhưng chưa bền vững, khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư còn lớn. Có vùng còn trên 50% hộ nghèo, cá biệt có vùng có 60-70% hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo ở đô thị gia tăng do tốc độ đô thị hóa nhanh khiến người nghèo  khó khăn tìm kiếm việc làm ổn định đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. Trong 5 năm qua đã có 6,5 triệu lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, trong đó 80% vì mục đích mưu sinh và có tới 70% lao động dưới 30 tuổi. Đáng lo ngại là có tới 66% không có nghề nghiệp được đào tạo, hơn 50% chưa học hết lớp 12, vì vậy có tới 50% chấp nhận công việc vất vả, độc hại, nguy hiểm, không ổn định và không có hợp đồng cũng như bảo hiểm xã hội, y tế.

Theo kết quả điều tra, có tới hơn 86% lao động di cư phải thuê nhà ở, chỉ có 2,9% mua được nhà. Tiền thuê nhà, điện nước chiếm tới 23% thu nhập của người lao động. Đặc biệt, có tới hơn 85% người lao động phải trả tiền điện, nước sinh hoạt cao gấp 2-3 lần giá quy định. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội thừa nhận, đa số lao động này không được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Họ hầu như bị quên lãng vì chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể từ dịch vụ công tới các dịch vụ hỗ trợ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu như nhà ở, điện nước, y tế, giáo dục…

Rõ ràng cần có cách nhìn đa chiều trong chính sách giảm nghèo. Nếu chỉ dựa vào tiêu chí thu nhập là chưa hợp lý, vô tình loại nhiều nhóm dân cư ra khỏi đối tượng nghèo, trong khi họ vẫn rất nghèo về điều kiện sống, giáo dục, y tế. Đó chính là nghèo đa chiều chứ không phải nghèo đơn chiều - nghèo thu nhập.