Cấm thôi chưa đủ

ANTĐ - Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 08/2013/TT-BYT hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ này. Chị Nguyễn Kim Phượng (Quỳnh Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) bày tỏ sự quan tâm.

- Tại sao chị chú ý đến thông tư này?

- Em đọc thấy Bộ Y tế quy định có 7 hành vi quảng cáo thực phẩm sẽ bị nghiêm cấm kể từ giữa tháng 4 tới đây. Trong đó có các hành vi hiện đang rất phổ biến như: Quảng cáo thực phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng; Quảng cáo thực phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Quảng cáo thực phẩm không phù hợp với nội dung đã công bố; Quảng cáo quá công dụng… Em thấy những hành vi này lẽ ra phải nghiêm cấm từ lâu rồi mới phải.

- Liệu quy định này sẽ có tác động thực sự trong đời sống?

- Gần đây em đọc trên báo chí thấy những thông tin về việc giá nhiều sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng, nhất là sữa trên thị trường nước ta bị đội lên hàng chục, vài chục lần so với giá nhập thực tế, em cảm thấy bức xúc và thương cho dân mình quá. Sẵn tâm lý chuộng sữa ngoại, lại liên tục được nghe những bài quảng cáo quá mức, thổi phồng sự thật của các hãng sữa này nên người dân vẫn đổ xô mua sữa của họ. Thực tế đã có những loại sữa quảng cáo thì đủ thành phần dinh dưỡng, giàu đạm, song khi kiểm nghiệm thì độ đạm chỉ hơn… bột mỳ. Chỉ có siết chặt lại việc quảng cáo thực phẩm, sản phẩm dinh dưỡng thì ít ra mới hy vọng khắc phục được tình trạng này.  

- Thực tế không phải đến bây giờ những nội dung quảng cáo này mới có quy định cấm, nhưng thời gian qua các quy định này đã bị lờ đi?  

- Việc siết chặt các hành vi bị cấm trong quảng cáo thực phẩm là cần thiết để tạo cơ sở pháp lý trong việc thi hành, tạo niềm tin cho nhân dân. Nhưng chỉ quy định thôi chưa đủ, điều quan trọng nhất vẫn phải cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện và xử phạt thật nghiêm những trường hợp vi phạm để răn đe. Mà không chỉ xử phạt các cơ quan đặt quảng cáo, còn phải xử phạt cả các đơn vị quảng cáo không đúng nữa.