Cấm hoán cải xe cơ giới: Một văn bản cửa quyền

ANTĐ - Ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam về việc thực hiện quy định cải tạo xe cơ giới đường bộ, nhiều sở GTVT cho rằng, văn bản 1782 của Bộ GTVT là cửa quyền. 
Xe tiền tỷ thành mớ sắt vụn

Dừng “đột ngột”

Trong khi các sở GTVT, các công ty có chức năng kinh doanh thiết kế cải tạo phương tiện đã được sở GTVT thẩm định, cấp giấy chứng nhận cải tạo phương tiện cơ giới đường bộ cũng như hàng nghìn người dân, doanh nghiệp bỏ tiền ra mua ô tô cũ để cải tạo với mục đích chở hàng đang thực hiện bình thường, thì ngày 16-3-2012, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng ký văn bản số 1782 yêu cầu các Sở GTVT dừng ngay việc thẩm định thiết kế, nghiệm thu và cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (tức kiểm định và cấp tem lưu hành) cho các loại xe cơ giới đã cải tạo. Văn bản có hiệu lực ngay trong ngày ban hành. Đến ngày     20-3, Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục có văn bản số 456 yêu cầu các đơn vị đăng kiểm xe trên cả nước không được kiểm định những xe đã cải tạo. Cán bộ, đăng kiểm viên nào vi phạm sẽ bị kỷ luật. Việc ra văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT quá “đột ngột” khiến tất cả các bên liên quan lao đao. Thiệt hại nặng nề nhất phải kể đến những doanh nghiệp, cá nhân vay ngân hàng, thế chấp sổ đỏ, bán đất đai lấy tiền mua ô tô về cải tạo. 

Văn bản 1782, cấm thực hiện cải tạo xe cơ giới đường bộ phủ định hoàn toàn những nội dung quy định tại QĐ 15/2005 của Bộ GTVT về cải tạo xe. Trong khi, quyết định 15 mở lối cho doanh nghiệp, cá nhân tận dụng những xe     ô tô đã qua sử dụng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng để vận tải hàng hóa thì văn bản 1782 của Bộ lại nghiêm cấm. Lý do mà Bộ này đưa ra, trong quá trình cải tạo, đã xảy ra tình trạng tăng kích thước thùng chở hàng của ô tô so với thiết kế của nhà sản xuất để chở hàng vượt quá tải trọng thiết kế, làm hư hỏng nghiêm trọng cầu, đường bộ, gây mất an toàn giao thông. Tuy nhiên, chỉ căn cứ vào thiểu số những trường hợp vi phạm trong cải tạo thiết kế mà Bộ có quyết định dừng đột ngột, gây ra những thiệt hại kinh tế lớn cho người dân là không thỏa đáng.

Vừa không thuyết phục vừa thiếu khoa học

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, văn bản trên của Bộ GTVT thiếu thuyết phục cả về khoa học lẫn thực tế. Cụ thể, văn bản nêu trong quá trình cải tạo nhiều chủ xe đã tăng kích thước thùng chở hàng so với thiết kế của nhà sản xuất để chở hàng vượt quá tải trọng, làm hư hỏng cầu đường, gây mất ATGT… “Xe nào nới thùng, chở quá khổ, quá tải thì đã có quy định xử phạt. Không thể vì những xe này mà ra lệnh dừng kiểm định xe hoán cải làm ảnh hưởng đến các xe hợp pháp khác”. Đáng chú ý, văn bản trên còn đưa nhiều loại xe được cải tạo đúng quy định hiện hành vào diện “xe chui”. Đó là các loại ô tô tải thông thường có sự thay đổi chiều dài cơ sở, xe khách cải tạo thành ô tô tải, ô tô tải tự đổ (xe ben)… “Ô tô tải thông thường cải tạo thành xe tải tự đổ thì phải cắt bớt khung theo đúng tính toán của nhà sản xuất và các quy định kỹ thuật hiện hành. Do vậy, không thể cho rằng chủ xe tự ý thay đổi thiết kế nguyên bản. Tương tự, xe khách cải tạo thành xe tải, xe ben cũng phải cắt bớt khung nhưng nay Bộ cấm hết thì quá vô lý”. Cũng theo ông Liên, để xây dựng QĐ 15/2005, các bộ, ngành đã phải bàn bạc 2 năm, chuẩn bị rất công phu, còn làm như Bộ GTVT hiện nay dường như mang tính cảm hứng nhiều hơn. 

Ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ và Cục Đăng kiểm Việt Nam về việc thực hiện quy định cải tạo xe cơ giới đường bộ, nhiều sở GTVT cho rằng, văn bản 1782 của Bộ GTVT là cửa quyền. Trong khi đó, văn bản của Bộ ký ngày 16-3, và không phải các sở GTVT đều nhận được ngay trong ngày, mà có sở phải sau đó 2-3 ngày mới nhận được. Trong khoảng thời gian này, các sở vẫn cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo, các xe vẫn được đăng ký, nhưng khi đưa đến các trung tâm kiểm định để khám lưu hành thì đều nhận được sự từ chối. Các sở GTVT đều có kiến nghị Bộ GTVT giải tỏa hồ sơ cho những xe cải tạo đã được nghiệm thu, bởi, tất cả đều hoàn toàn đúng pháp luật. Ngày 3-5, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Trịnh Ngọc Giao đã  ký văn bản số 776, trình Bộ GTVT để giải quyết cho các trường hợp được Sở GTVT các tỉnh cấp giấy chứng nhận cải tạo xe cơ giới trước khi có văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Nhưng đến nay, gần 3 tháng đã trôi qua, phía Bộ GTVT vẫn chưa có văn bản trả lời.

(Còn nữa)