Cách nào để Nga đối phó với tên lửa ‘bóng ma’ ADM-160 MALD ?

ANTD.VN - Mỹ đã cung cấp cho Không quân Ukraine tên lửa mồi bẫy ADM-160 MALD với mục đích làm quá tải phòng không Nga.

Hình ảnh tiêm kích MiG-29 của Không quân Ukraine mang tên lửa mồi bẫy ADM-160 MALD dưới cánh xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông và đã thu hút sự quan tâm sâu sắc của giới chuyên gia quân sự.

Khi có thêm tên lửa ATACMS và Storm Shadow/SCALP-EG, Ukraine sẽ cần thêm nhiều tên lửa ADM-160 MALD để sử dụng kết hợp với chúng nhằm tăng xác suất vượt qua lưới lửa bảo vệ bầu trời của Nga.

Phóng viên Colby Badhvar đến từ ấn phẩm Business Insider nhận xét: “Ukraine càng có nhiều vũ khí tấn công thì lưới lửa phòng không và phòng thủ tên lửa tích hợp của Nga lại càng kém hiệu quả”.

Lần đầu tiên xuất hiện thông tin tên lửa mồi bẫy ADM-160 MALD được sử dụng trên chiến trường Ukraine là tại thời điểm tháng 5/2023, khi đó một vụ nổ đã xảy ra ở trung tâm Lugansk, phần còn lại của quả đạn ADM-160 MALD được tìm thấy gần địa điểm tấn công.

Cần nhấn mạnh, Mỹ chưa từng thông báo cung cấp những quả đạn ADM-160 MALD (Mồi nhử phóng từ trên không thu nhỏ), được phát triển vào năm 2003 bởi Tập đoàn Raytheon cho Ukraine, có lẽ vì lý do bảo mật.

ADM-160 MALD thực chất là một tên lửa hành trình hàng không, nó khác với vũ khí chiến đấu ở chỗ không mang đầu đạn mà sử dụng khí tài đặc biệt tích hợp bên trong để gây nhiễu hệ thống phòng không đối phương.

ADM-160 MALD có thể phát xạ gây nhiễu làm lẫn lộn các mục tiêu trên không đối với các đài radar phòng không của đối phương và tái tạo chính xác các tín hiệu gây nhiễu từ máy bay tàng hình cho tới tên lửa hành trình.

Bằng cách đó, quả tên lửa mồi bẫy này khiến cho các hệ thống phòng không của kẻ địch không thể phân biệt được đâu là mục tiêu thật và giả để có biện pháp can thiệp thích hợp.

ADM-160 MALD được triển khai từ một máy bay, trong suốt hành trình hoạt động, nó di chuyển theo một đường bay được lập trình từ trước (có thể tái lập trình) và tạo ra khoảng 100 mục tiêu giả khác nhau trong phạm vi tác chiến.

Đối mặt với tên lửa mồi bẫy ADM-160 MALD, các hệ thống phòng không của kẻ địch sẽ không thể phân biệt được một số lượng quá lớn mục tiêu, dẫn tới quá tải và bị gây nhiễu chủ động.

Có một số cách để sử dụng tên lửa mồi bẫy ADM-160 MALD nhằm tạo ra những các hiệu ứng khác nhau, điển hình như mục tiêu giả có thể chỉ cần bay đến một khu vực nhất định và đánh lạc hướng khẩu đội phòng không nhằm giảm thiểu xác suất bị bắn hạ đối với tên lửa thật.

Bên cạnh đó, tên lửa chiến đấu đích thực và đạn mồi bẫy hoàn toàn có thể bay cạnh nhau, gây khó khăn cho việc nhận dạng cũng như cản trở việc theo dõi và tiêu diệt đạn tấn công.

Tên lửa mồi bẫy ADM-160 MALD đã được Mỹ sử dụng tích cực trong những trận không kích vào các mục tiêu của Syria, nó gần như đã vô hiệu hóa hoàn toàn các tổ hợp S-300, Buk hay Tor do Nga sản xuất.

Đối diện loại đạn mồi bẫy tối tân này, phòng không Nga cần có phương pháp phát hiện chúng trong nhóm tên lửa tấn công, để tránh nguy cơ phóng hết đạn đánh chặn vào mục tiêu giả và phải chịu thiệt hại nặng nề.