- Chương trình "Vượt qua đại dịch Covid-19": Lượng tranh đấu giá trực tuyến ở mức "đáng mơ ước"
- Gần 40 bức tranh nghệ thuật trong chương trình đấu giá "Vượt qua đại dịch Covid-19" đã được bán
- Những tác phẩm mang màu xanh hy vọng
Người quyết định thành bại
Chương trình đấu giá các tác phẩm nghệ thuật “Vượt qua đại dịch Covid-19” chính thức bắt đầu từ ngày 29-3 và kết thúc vào ngày 12-4. Sau 5 phiên, đã có 36 tác phẩm được trả giá, chiếm 60% tổng số tác phẩm tham gia chương trình, một kết quả rất tốt đẹp và mang về nguồn vật chất quý giá để ủng hộ, tiếp sức đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch. Để làm nên thành công này, vai trò của các nhà sưu tập là vô cùng quan trọng.
Việc mua tranh của họ quyết định sự thành bại của chương trình. Tất nhiên, điều khiến các nhà sưu tập sẵn sàng bỏ ra cả trăm triệu đồng đến từ chính chất lượng các tác phẩm. Bên cạnh đó, còn là tên tuổi của các họa sĩ. Đã thành luật bất thành văn, phiên đấu giá nào có họa sĩ nổi tiếng, phiên đấu giá đó sẽ trở nên sôi động do có nhiều nhà sưu tầm cùng có mong muốn sở hữu tác phẩm.
Điều này đã được chứng minh qua 5 phiên đấu giá vừa qua với sự góp mặt của các nghệ sĩ tên tuổi như Lý Trực Sơn, Phan Cẩm Thượng, Vũ Đình Tuấn, Khổng Đỗ Tuyền... Bức “Chuyện cũ” của họa sĩ Phan Cẩm Thượng đã có 5 nhà sưu tầm cùng trả giá. Ai cũng muốn có được tác phẩm nghệ thuật mang màu sắc thiền định, bảng lảng khói sương của ký ức những ngày xa xưa ùa về. Và sát đến giờ kết thúc, 5 nhà sưu tầm này đã rất mạnh tay trả giá và cuối cùng, tác phẩm đã thuộc về nhà sưu tầm Hằng Nguyễn.
Trái ngược với “Chuyện cũ” của Phan Cẩm Thượng là tác phẩm “Không gian run rẩy” của Lý Trực Sơn, chỉ có 1 nhà sưu tầm trả giá nhưng là giá mua ngay (100 triệu đồng). Theo tiết lộ từ nhà đấu giá Indochineart, trước đó, một số nhà sưu tầm đã nhắm tới tác phẩm này và đặt từ trước nhưng cuối cùng đành chào thua khi nhà sưu tầm Q.P lập tức trả giá mua đứt tác phẩm ngay khi phiên đấu giá vừa bắt đầu.
Theo chia sẻ của nhà sưu tầm Hằng Nguyễn, chị là nhà sưu tập khá thường xuyên. Bên cạnh tham gia phiên đấu giá “Vượt qua đại dịch Covid-19” do Báo An ninh Thủ đô và Indochineart tổ chức, chị còn tham gia các phiên đấu giá trực tuyến khác và cũng quan tâm tới các phiên đấu giá do chính họa sĩ tự tổ chức. Điều nhà sưu tầm này mong muốn khi góp mặt trong chương trình “Vượt qua đại dịch Covid-19” là sở hữu các tác phẩm nghệ thuật của các tên tuổi trong làng mỹ thuật Việt Nam. Bên cạnh đó là các tác phẩm nghệ thuật có nhiều sáng tạo, không lặp lại các mô típ đã quen thuộc và không phải là tranh chạy theo thị trường.
Những lý do rất riêng
Nhà sưu tầm Hằng Nguyễn chính là người đã trả giá mua ngay cho bức tranh giấy dó “Chuyện cũ” của Phan Cẩm Thượng với 20 triệu đồng. Đồng thời, chị cũng là người sở hữu bức tranh “Thiên nga nhỏ” của họa sĩ Nguyễn Trọng Tài với 13 triệu đồng. Chị cho biết, Phan Cẩm Thượng là một tên tuổi lớn và từ lâu chị đã yêu thích các sáng tác của ông. Khi nhìn thấy bức tranh này, chị mê luôn và quyết sẽ mua bằng được.
Hơn nữa, với một chương trình có sự chung tay của 2 đơn vị đồng tổ chức là Báo An ninh Thủ đô và Indochineart, chị hoàn toàn yên tâm về các tác phẩm vừa mua là bản gốc, không có chuyện tranh giả. Chồng nhà sưu tầm Hằng Nguyễn đang làm việc trong ngành y nên việc chị góp mặt trong chương trình cũng không khó hiểu, bởi chị có sự đồng cảm sâu sắc với sự vất vả, khó khăn của đội ngũ y bác sĩ trong mùa dịch.
Bên cạnh bức “Chuyện cũ”, chị còn có ý định mua tác phẩm “Lá chắn trắng” của họa sĩ Nguyễn Lộc để tặng các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, ý định này đã không thực hiện được khi một nhà sưu tầm khác đã trả giá sớm cho tác phẩm.
Không giống như Hằng Nguyễn, nhà sưu tầm Gia Bảo lại là một doanh nhân và từ trước tới nay anh không biết sưu tầm tranh. Thế nhưng, khi đại dịch xảy ra, xem qua tivi, đọc trên mạng internet được biết các bác sĩ đang ngày đêm vất vả để giành giật sự sống cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 từ tay tử thần và họ là những người hy sinh cuộc sống cá nhân, thậm chí rất dễ phơi nhiễm với virus.
Nhà sưu tầm này mong muốn sẽ chung tay cùng nhiều người, đóng góp tiền của để động viên, tiếp sức các thầy thuốc yên tâm công tác, đẩy lùi dịch bệnh. Với suy nghĩ đơn giản và tích cực như vậy, Gia Bảo đã quyết định sẽ tham gia chương trình đấu giá “Vượt qua đại dịch Covid-19”. Không một phút chần chừ, khi nhìn thấy tác phẩm “Tam mã” của họa sĩ Vũ Đình Tuấn và bức “Đường dây” của Trần Công Dũng, nhà sưu tập Gia Bảo đã trả giá cao nhất để sở hữu tác phẩm.
Theo đó, bức “Tam mã” đã được anh mua với giá 17 triệu đồng, bức “Đường dây” được anh mua với giá 5 triệu đồng. Anh chia sẻ, vì mục đích của anh là ủng hộ và chung tay cùng Chính phủ, người dân đẩy lùi dịch bệnh, nên anh lập tức trả giá ở ngay phiên đầu tiên rồi sau đó dừng lại. Không giống như các nhà sưu tầm khác khi cẩn thận tìm hiểu thông tin về tác giả, tác phẩm, Gia Bảo làm theo một cách hoàn toàn khác, tức là thấy thích thì mua.
Theo tiết lộ của nhà sưu tập, hiện anh đã chọn được chỗ treo 2 tác phẩm nói trên. Đó là không gian làm việc của anh tại công ty và anh hy vọng, số tiền mua tác phẩm sẽ được Ban Tổ chức gửi tới tận tay các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch.
Mỗi nhà sưu tầm khi đến với chương trình đấu giá “Vượt qua đại dịch Covid-19” đều đặt ra những mục tiêu riêng và không phải ai cũng dễ dàng chia sẻ. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, bằng việc góp mặt trong các phiên đấu giá, các nhà sưu tầm đã bày tỏ sự quan tâm, lo lắng trước vấn đề mà đất nước đang gặp phải và họ đang chung tay cùng cả nước đóng góp nguồn lực, nhằm đẩy lui và dập tắt dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, phần lớn các nhà sưu tầm đều cho biết, họ cảm thấy hoàn toàn yên tâm khi chương trình đấu giá có sự giám sát và đồng tổ chức của Báo An ninh Thủ đô.