Các biện pháp như cách ly xã hội, giãn cách xã hội thời chống Covid-19… cần phải đưa vào luật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dẫn ví dụ đợt phòng, chống dịch Covid-19, dù luật chưa có quy định về các biện pháp cách ly xã hội nhưng vẫn phải thực hiện, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương cho rằng những nội dung này cần được luật hóa…
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương phát biểu tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương phát biểu tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội

Chiều nay, 1-11, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Phát biểu tại tổ, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) nêu rõ, phòng thủ dân sự là một bộ phận của phòng thủ đất nước.

Việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là để thể chế hóa quan điểm của Đảng tại các nghị quyết, các chỉ thị về xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng thủ dân sự. Đặc biệt, Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị đã nêu rõ yêu cầu đến năm 2025 phải xây dựng được Luật Phòng thủ dân sự. Việc xây dựng Luật này còn nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013.

Mặt khác, việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự cũng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương lấy ví dụ về phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua. Trong luật chưa có quy định về các biện pháp cách ly xã hội, giãn cách xã hội. Tuy nhiên, để phòng, chống dịch thì chúng ta vẫn phải thực hiện, thực tế thì các biện pháp đó đã phát huy hiệu quả. Do vậy cần quy định biện pháp này vào luật để triển khai thực hiện.

Cùng với đó là các luật chuyên ngành khác cũng chưa có quy định về các kế hoạch, các chiến lược. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn chứng, tại thời điểm ở Hà Nội mới có vài trường hợp nhiễm Covid-19, Bộ Quốc phòng có tổ chức diễn tập trong thời gian ngắn nhất, công tác chuẩn bị ngắn nhất, nhưng có quy mô lớn nhất.

Khi đó, tất cả các đơn vị trong toàn quân đều tổ chức diễn tập với kịch bản có khoảng 30.000 người nhiễm Covid-19. Sau đó, các địa phương cũng vận dụng các kế hoạch đã được Bộ Quốc phòng diễn tập để áp dụng phòng, chống dịch tại địa phương.

“Những kế hoạch, chiến lược này chưa được quy định trong luật nên cũng cần được quy định trong Luật Phòng thủ dân sự để triển khai thực hiện có hiệu quả” - Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nói.

Về một số quy định cụ thể, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự quy định các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố. Có ý kiến cho rằng chỉ nên đưa thảm họa vào phạm vi điều chỉnh của luật.

Theo Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, thảm họa và sự cố không tách rời nhau, khi sự cố không được khắc phục kịp thời thì sẽ xảy ra thảm họa. Vì vậy cần đưa cả 2 nội dung thảm họa và sự cố vào phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng thủ dân sự.