- Tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp thị sát ổ dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đích thân vào tâm dịch sốt xuất huyết
Khoa Nhi - Bệnh viện Thanh Nhàn phải kê thêm giường bệnh ra hành lang làm nơi điều trị cho trẻ mắc sốt xuất huyết
Chật kín giường ngoài hành lang
Hơn 3 tháng nay, hầu như các y bác sỹ của Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đống Đa không có ngày nghỉ. Nếu như mọi năm, bệnh sốt xuất huyết thường xuất hiện vào tháng 9 trở đi thì năm nay nó lại tới sớm hơn 4 tháng. Bác sỹ Phạm Bá Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Đống Đa cho biết: “Tính đến ngày 1-8, số bệnh nhận mắc sốt xuất huyết đến khám tại đây đã là 3.000 người, trong đó có tới hơn 1/3 trường hợp phải nằm lại để điều trị”.
Mặc dù là một trong những bệnh viện hàng đầu của Hà Nội về bệnh truyền nhiễm nhưng hạ tầng của Bệnh viện Đống Đa vẫn còn hạn chế. Trung bình mỗi phòng bệnh chỉ rộng hơn 10m2 và được thiết kế tối đa 3 giường, nhưng hiện nay số lượng bệnh nhân tăng đột biến nên các bác sỹ buộc phải kê thêm giường phụ ra ngoài hành lang. Thế nên không khí ở đây lúc nào cũng nóng hầm hập dù các loại quạt đã được bật hết cỡ 24/24h.
Tuy nhiên, ngay cả những biện pháp tình thế này cũng không đáp ứng nổi số bệnh nhân đang tăng lên từng ngày. Hầu hết những bệnh nhân nào đã tạm ổn đều được tư vấn, hướng dẫn, để họ có thể xuất viện về điều trị tại nhà, dành chỗ cho những trường hợp mới. Ngay cả các khoa khác cũng được trưng dụng thêm giường bệnh để dành chỗ cho bệnh nhân sốt xuất huyết.
Kể từ khi Khoa Truyền nhiễm quá tải, hơn 20 giường bệnh của Khoa Điều trị tích cực và chống độc đã được huy động. Thế nhưng số giường ít ỏi này đã nhanh chóng bị lấp đầy. Tiếp đến là các Khoa Nhi rồi Nội 1, Nội 2, Nội 3 cũng được huy động và tới bây giờ thì cả Khoa Cấp cứu, Khám bệnh cũng được dành làm nơi điều trị cho các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Nếu so với dịch sởi năm 2014 thì dịch sốt xuất huyết năm nay cũng khiến các bác sỹ ở đây căng thẳng và mệt mỏi không kém.
Bác sỹ Nguyễn Thái Minh - Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết: “Chỉ riêng tháng 7, số bệnh nhân nhập viện đã bằng cả 6 tháng đầu năm cộng lại. Trong khi đó, số lượng nhân viên có hạn, tôi phải liên tục động viên anh em cố gắng gồng mình bởi nếu nghỉ lúc này thì không có ai phục vụ bệnh nhân. Thế nhưng, động viên thì cũng chỉ dăm bữa nửa tháng còn cố được, chứ dịch đã kéo dài tới 2 tháng thì không chỉ có bệnh nhân mà ngay cả bác sỹ cũng sắp... lên cơn sốt”.
Có lẽ chưa bao giờ mà số bác sỹ của Bệnh viện Đống Đa lại rơi vào cảnh đầu tắt mặt tối như hiện nay. Ngay cả số bác sỹ đang được cử đi học cũng bị gọi về để có thêm người tham gia điều trị, mọi chế độ nghỉ phép đều bị gác lại.
Cả viện lên cơn sốt
Ở Bệnh viện Thanh Nhàn, tình trạng căng thẳng cũng không khác là mấy. Tại Khoa Nhi, số giường bệnh đã kê kín hành lang và tràn ra cả sảnh chờ ngay sát phòng làm việc của các nhân viên y tế. Bác sỹ Nguyễn Thu Hương - Trưởng khoa Nhi lý giải cho sự bất tiện này: “Phòng điều trị quá ngột ngạt do lượng bệnh nhân quá tải. Vì thế, những cháu nào đã thuyên giảm, chúng tôi đề nghị chuyển ra hành lang nằm tạm để dành chỗ cho các cháu bé nặng hơn mới nhập viện. Bây giờ thì nằm hành lang cũng chẳng còn chỗ, thế nên bất cứ nơi nào có thể kê được giường là chúng tôi sẵn sàng kê để tiếp nhận bệnh nhân chuyển tới”.
So với khu điều trị của người lớn thì khu điều trị bệnh nhi có phần phức tạp hơn. Do tâm lý lo lắng cho trẻ nhỏ nên khi thấy con bị sốt xuất huyết là gần như gia đình nào cũng yêu cầu bác sỹ cho con mình nằm viện. Thậm chí có gia đình cả nhà đều có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Dengue và đều kéo nhau vào đây điều trị. Lúc đầu sốt nhẹ nên ông bố và bà mẹ còn thay nhau chạy lên Khoa Nhi chăm con. Nhưng đến khi sốt tới 40-41 độ C thì cả 2 đành phó thác con nhỏ cho hàng xóm và các bác sỹ trông hộ.
“Chúng tôi làm việc gần như không nghỉ. Thời gian này, các bác sỹ bỏ bữa trưa hay ăn tối lúc 22h là chuyện quá bình thường. Khoa Nhi có 4 bác sỹ sắp đến ngày sinh nở, nhưng tuyệt nhiên không ai dám nghỉ. Vừa rồi, 2 bác sỹ cũng ốm phải nằm viện, nhưng khi chưa kịp khỏi hẳn họ đã tình nguyện trở về khoa để làm việc cùng anh em. Bệnh nhân quá đông, bây giờ chỉ cần thiếu 1 bác sỹ thì thực sự là thảm họa. Thế nên chúng tôi vẫn nói đùa với nhau, giai đoạn này ngay cả việc bác sỹ ốm cũng... bị cấm” - bác sỹ Nguyễn Thu Hương nói.
Theo thống kê, hiện Bệnh viện Thanh Nhàn có khoảng 1.400 bệnh nhân đang nằm điều trị, trong đó có hơn 500 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải con số cuối cùng bởi những người nhập viện vì sốt xuất huyết vẫn tăng lên từng ngày. Điều đó cũng có nghĩa là cuộc chiến của các y bác sỹ vẫn còn vô cùng mệt mỏi và chưa biết đến lúc nào mới chấm dứt.