- Cuộc đời như phim của nam ca sĩ xứ Nghệ - Lê Vĩnh Toàn
- Nhạc sĩ Trần Tiến chia sẻ lý do đồng ý trở lại sân khấu "Du ca"
Hà Nội luôn luôn ở trong tâm thức
- Phóng viên: Được biết đến với những bản tình ca về Hà Nội, nhưng anh cũng đã chuyển vào Sài thành sinh sống đã lâu. Không biết hát về Hà Nội với tâm thế của một người lập nghiệp và sinh sống phương xa có gì khác không?
|
- Ca sĩ Tuấn Hiệp: Thật ra, với một người gần 40 tuổi mới chuyển vào TP.HCM sinh sống thì những ký ức, giá trị về Hà Nội đã thấm vào trong trái tim, hơi thở và trí nhớ rồi. Thế nên, dù tôi có đi bất cứ đâu thì những điều xưa cũ ở Thủ đô vẫn luôn luôn ở trong tâm thức. Tôi vẫn nói vui với mọi người rằng, mình là một nghệ sĩ luôn có sự đổi mới về mặt địa hình, nhưng có khi nhờ thế mà mỗi lần hát về Hà Nội lại khắc khoải hơn, truyền tải cảm xúc dễ “chạm” đến người nghe hơn. Còn cơ bản, tôi thấy mình không có gì thay đổi về tâm hồn cũng như cảm xúc khi hát cả, có chăng chỉ là thấm thía và thổn thức nhiều hơn trước mà thôi.
- Sao anh phải đợi tới gần 6 năm mới quyết định mang “điều gì đó” trở lại với âm nhạc, cụ thể là ra mắt đĩa than “Như gió heo may” này?
- Thú thực, tôi thuộc tuýp người chân thành và cả trung thành nữa. Ngoài cuộc sống đời thường hay trong âm nhạc cũng vậy, tôi luôn đề cao những thứ đó. Đĩa than “Như gió heo may” là tôi được một công ty sản xuất âm nhạc ở Mỹ bỏ tiền ra đầu tư cho, thu trực tiếp ở bên đó. Để có sự hợp tác này cũng là một mối duyên. Thời điểm đó, phía công ty đang tìm kiếm 4 giọng ca nam để hợp tác sản xuất và tôi được mời thử giọng. Khi hát chưa hết nửa bài “Cô đơn” của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 thì họ nói sẽ chọn Tuấn Hiệp là ca sĩ đầu tiên để thực hiện dự án này. Chứ nói thật, để có tiền làm đĩa than lúc này thì tôi đào đâu ra (cười).
Áp lực lớn nhất là sức khỏe
- Không phải lo về vấn đề kinh phí, nhưng anh có gặp áp lực khi thực hiện đĩa than này không?
- Khi làm đĩa than này, các nghệ sĩ trong thu âm cùng tôi đến từ nhiều quốc gia (Việt Nam, Mỹ, Đức). Trong đó, nhạc sĩ Vincent Nguyễn (tức Nguyễn Công Phương Nam - piano) là tên tuổi được biết đến nhiều cả ở trong và ngoài nước. Anh là nghệ sĩ piano/keyboard của Dàn nhạc Jazz quân đội Đức (Die Big Band der Bundeswehr), đã tham gia soạn nhạc cho nhiều phim tài liệu, phim truyện, quảng cáo tại nhiều quốc gia. Anh cũng đã sản xuất âm nhạc, hòa âm cho một số album ấn tượng tại thị trường nhạc Việt như: “Trăng và em” (Jazzy Dạ Lam), “Li ti” (Tùng Dương), “Requiem” (Đức Tuấn), “Unmakeup (Đoan Trang)…
Khi mới làm việc với các nghệ sĩ bên đó, ban đầu tôi không tránh khỏi bỡ ngỡ. Nhưng cũng may là tôi từng có dịp làm việc với nhiều nghệ sĩ nước ngoài rồi nên cũng tự tin. Xưa nay khi hát ở bất cứ sân khấu nào, tôi cũng sẽ cống hiến hết sức bằng tâm huyết cao nhất. Lần này cũng vậy. Tôi biết nhà sản xuất đã bỏ kinh phí rất lớn để đầu tư cho sản phẩm âm nhạc này. Ngay như thuê phòng thu thôi, thu 3 giờ đã mấy mất trăm USD rồi, nếu hôm đó thu mà mình gặp vấn đề về sức khỏe, giọng không tốt, không hát được thì nhà sản xuất mất luôn số tiền đó. Thế nên áp lực lớn nhất với tôi khi làm đĩa này là sức khỏe.
|
Đĩa than “Như gió heo may” là tuyển tập những tình khúc vượt thời gian, với âm hưởng lãng mạn, trữ tình, đặc biệt phù hợp với giọng hát trầm, dày, rất tình cảm của Tuấn Hiệp. Tuấn Hiệp vẫn được những người trong giới hi-end (hay còn gọi là các audiophile) gọi vui là “giọng hát thử loa”, qua các album rất được yêu thích của anh trước đây của anh như: “Bơ vơ”, “Tình khúc Đoàn Chuẩn - Từ Linh”, “Tình khúc Phú Quang - Hà Nội run run heo may”, “Acoustic - Kẻ đau tình”… Với đĩa than lần này, tất cả những lợi thế và sự biểu cảm trong giọng hát Tuấn Hiệp được thể hiện một cách triệt để, trọn vẹn qua những bài hát đã trở thành ký ức, kỷ niệm của nhiều thế hệ người yêu nhạc.
- Quá trình thu âm chiếc đĩa than này, anh tự thấy có gì khác biệt không so với những lần thu âm trước?
- Thật ra khi thu âm, để các nghệ sĩ có thể hòa quyện được với nhau và thu một lần là rất khó. Lúc xưa tôi thu đĩa “Hà Nội run run heo may” cũng vậy, chúng tôi vào phòng thu và thu trực tiếp luôn, sau đó mới “mix” và làm mọi thứ sau. Với đĩa “Như gió heo may” cũng thế, tôi và nhà sản xuất cũng như các nghệ sĩ đều thống nhất quan điểm là làm sao giữ được cảm xúc một cách chân thực và tự nhiên nhất. Thế nên nếu mọi người nghe kỹ có thể thấy một vài chỗ trong đĩa vẫn có “vết gợn”, nhưng đó lại là những gì thật nhất của giọng hát khi tôi thu âm. Tôi mong muốn giữ lại những điều đó. Ngay cả khi bật ca khúc đầu tiên, khán giả có thể nghe thấy cả tiếng “1,2,3…vào hát”. Chúng tôi giữ tất cả để mọi người có thể cảm nhận được những gì thật nhất, tự nhiên nhất, cảm xúc nhất.
Không có khoảng trống cô đơn thì hát sẽ không hay
- Nghe Tuấn Hiệp hát lúc nào cũng thấy có sự cô đơn trong các ca khúc mà anh chọn. Đó có phải là tâm trạng thật của anh ở ngoài đời hay chỉ là sự hóa thân vào trong âm nhạc?
- Thật ra với nghệ sĩ, nếu không có khoảng trống cô đơn trong trái tim thì sẽ hát không hay đâu. Thật đấy! Vì đa số các bản tình ca buồn, hát về sự chia xa, chia ly, mà nghệ sĩ cứ lạc quan quá, nhiều niềm vui quá thì khó chuyển tải chân thật lắm. Nhất là các sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Đa số nghệ sĩ cô đơn lắm, hiếm ai chỉ toàn vui vẻ.
- Nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, anh có thể chia sẻ về mối quan hệ giữa 2 người không?
- Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 có rất nhiều “đứa con”, trong đó có cả tôi. Tôi may mắn có khoảng 7-8 năm được gắn bó với ông. Hai thầy trò, chú cháu, “bố con” hay đi cùng nhau, không chỉ riêng chuyện công việc mà trong cả cuộc sống đời thường. Mỗi lần có đêm nhạc của tôi ở phòng trà thì dù ở đâu, ông cũng âm thầm đặt vé đến xem, kể cả phải mua vé máy bay để tới địa điểm biểu diễn. Lần nào cũng thế, cứ tầm 22h của chương trình là lại thấy ông mặc vest chỉnh tề, thắt cà vạt lò dò đi vào, cả khán phòng giật mình, tôi cũng giật mình. Tình cảm đó tôi trân trọng vô cùng, nhưng ít chia sẻ với ai. Nhờ có ông nói chuyện mà tôi thấm thía và chuyển tải được tinh thần âm nhạc trong các ca khúc do ông sáng tác, như bài “Cô đơn” và nhiều bài chia xa khác, nghe thấm nhuần hơn.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!