Ca sĩ Ngọc Khuê: Tôi thuộc tuýp người ngại từ chối và rất thích… va

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù 17 năm ít xuất hiện trong làng nhạc Việt, Ngọc Khuê vẫn không bị mọi người lãng quên và cũng chưa ai thay thế được biệt danh “Thị Màu” của cô. Mới đây, giọng ca “Chuồn chuồn ớt” bất ngờ trở lại và trình làng sản phẩm âm nhạc vô cùng độc đáo - hai đĩa than kết hợp giữa âm thanh điện tử, dàn nhạc giao hưởng Việt, nhạc cụ dân tộc châu Âu, châu Mỹ, châu Á, thậm chí cả tiếng sáo mèo của Việt Nam.

Mơ được bay vào không gian, nghe những âm thanh ngoài trí tưởng tượng

- Phóng viên: Chào Ngọc Khuê, nhiều người thường chọn trở lại hoặc ra sản phẩm âm nhạc ở những dấu mốc được tính bằng thập kỷ, ví dụ 10 năm, 20 năm… Chị chọn trở lại sau 17 năm, con số này có ý nghĩa gì vậy?

- Ca sĩ Ngọc Khuê: Quả thật 17 không phải con số đẹp, nhưng độ tuổi 17 lại rất đẹp. 17 năm qua là quãng thời gian tôi tìm hiểu, nghiên cứu để cho ra sản phẩm đánh dấu lần trở lại đặc biệt này. Mọi người vẫn hay nói “tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu”, tôi thì chỉ nghĩ đơn giản rằng, 17 hay bao nhiêu năm đi chăng nữa, nếu mình không đổi mới thì cũng không có gì để khoe cả. Bên cạnh đó, tôi thấy âm nhạc Việt Nam hiện có nhiều ca sĩ mới nổi lên từ các chương trình ca nhạc, gameshow trên sóng truyền hình. Tôi cũng để ý thấy những năm gần đây, khán giả có xu hướng thích âm nhạc dân gian nhiều hơn. Bản thân tôi lại là người làm văn hóa, gắn bó với âm nhạc dân gian.

Trong suốt 17 năm qua, tôi vẫn đi diễn, vẫn kiếm tiền bằng nghề hát và vẫn có những nguồn thu nhập từ nghệ thuật đủ trang trải cuộc sống. Ngoài ra tôi vẫn may mắn được “nhà đài” nhắc đến, mời lên sóng truyền hình, tham gia một số gameshow, rồi làm đại sứ của nhiều chương trình ý nghĩa. Hiện tôi làm giảng viên Thanh nhạc ở Đại học Văn hóa Hà Nội được gần 10 năm rồi. Khi đứng trên bục giảng, tôi không chỉ giảng dạy mà còn viết, nghiên cứu nhiều về văn hóa, giải trí, công nghệ 4.0, về tất cả những gì liên quan đến lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, vừa cập nhật cái mới, vừa tìm cách làm mới cái cũ để âm nhạc dân gian có thể tiếp cận được với các bạn trẻ. Sản phẩm lần này cũng là kết quả của những nỗ lực đó của tôi.

- “Dạo chơi” được giới thiệu là album đĩa than đầu tiên của Ngọc Khuê được lấy cảm hứng từ di sản văn hóa Việt Nam kết hợp cùng màu sắc phương Tây, có những âm thanh thời thượng không đâu có. Chị có thể chia sẻ kỹ hơn về điều đó không?

- Cách đây hơn 20 năm, tôi từng có một giấc mơ là được bay vào không gian bao la của vũ trụ, được nghe những âm thanh kiểu bay ra ngoài trí tưởng tượng của mình. Cách đây vài năm, khi gặp nhạc sĩ, Giám đốc sản xuất âm nhạc Huy Ngô, tôi có chia sẻ với anh ấy về giấc mơ đó. Khi ấy, anh Huy Ngô còn nhìn tôi với ánh mắt hơi kỳ lạ vì trí tưởng tượng của tôi bay xa quá. Thế nhưng duyên may thế nào, sau đó anh Huy Ngô trở thành người đầu tiên đăng ký đơn vị kinh doanh và được cấp phép công nghệ âm thanh hiện đại trên thế giới, có thể biến ước mơ đó của tôi trở thành hiện thực. Và tôi trở thành nghệ sĩ đầu tiên trong nước được chọn để thực hiện dự án âm nhạc đó. Hình dung đơn giản thì ví dụ như khi nghe các bản nhạc trong album, mọi người sẽ nghe rất rõ từng tiếng bước chân như chạy từ bên này sang bên kia, rồi tiếng nói vang lên như từ ở phía sau gáy mình vậy.

Đấy là điểm đặc biệt. Album gồm 8 ca khúc, trong đó có 5 bài cũ gắn liền với tên tuổi của tôi là: “Chuồn chuồn ớt”, “Bên bờ ao nhà mình”, “Gió mùa về”, “Giọt sương bay lên”, “Bà tôi”, cùng 3 bài hát dân ca quan họ Bắc Ninh: “Xe chỉ luồn kim”, “Qua cầu gió bay”, “Cò lả”. Mỗi tác phẩm là 1 bản phối mới với cách xử lý đầy mới lạ. Khi nghe, khán giả sẽ được chạm, cảm nhận và trải nghiệm âm thanh từ trong studio ra đến ngoài thiên nhiên không một chút gợn. Khán giả sẽ được sống trong không gian âm nhạc, ở đó có Ambient, Word music, Trap, Hip-hop, Rap, Jazz … Album là sự kết hợp của cả gia đình tôi, từ bìa đĩa và ấn phẩm bên trong là tác phẩm nghệ thuật vẽ truyền thần - màu nước từ cha tôi là họa sĩ, nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi.

Chúng ta của hôm nay khác chúng ta của ngày hôm qua

- Vì sao đến hơn nửa album là những bài hát cũ từng làm nên tên tuổi của Ngọc Khuê mà không phải là những ca khúc mới?

- Mọi người cũng hỏi sao tôi chọn hát lại những bài cũ, thì nói thật tôi cũng đã lường trước điều đó. Đó là những bài hát mà nhờ đó tôi được mọi người biết đến và yêu mến, vậy thì tại sao tôi không làm mới lại nó? Tôi nghĩ, chúng ta của ngày hôm nay và của ngày hôm qua cũng đã khác nhau rồi, ai cũng hướng đến tìm kiếm những điều tốt đẹp hơn. Tôi luôn muốn tìm kiếm những phiên bản tốt hơn của mình so với ngày hôm qua. Nghĩ thế nên tôi mới quyết định làm lại tất cả những bản nhạc mà khán giả đã yêu thích. Vả lại, kho tàng âm nhạc dân gian, nhất là dân gian đương đại Việt Nam là vô tận. Cái tên Ngọc Khuê đã định hình được ở dòng nhạc dân gian đương đại rồi thì việc của mình là nên làm mới nó, phát huy nó và biến nó thành giá trị văn hóa riêng, cũng như đóng góp vào sự phát triển của văn hóa dân gian Việt Nam nói chung.

- Trở lại với cuộc “Dạo chơi” lần này, Ngọc Khuê muốn gửi gắm hay khẳng định điều gì trong âm nhạc?

- Tôi nghĩ khi thưởng thức album “Dạo chơi”, mọi người sẽ muốn trở về tuổi thơ. Tôi rất muốn dẫn dắt mọi người trở về trong cuộc hành trình ý nghĩa ấy, vì cuộc sống hiện tại cũng quá bộn bề rồi, trong khi ai cũng có tuổi thơ và đó có lẽ là quãng thời gian đẹp nhất trong đời mỗi người. Tôi rất muốn các bạn trẻ hôm nay cũng cảm nhận được điều đó. Khi làm album này, tôi và anh Huy Ngô cũng trao đổi rất nhiều và thống nhất chúng ta ai cũng từng có cái tôi của chính mình. Làm thế nào để cái tôi ấy trở thành cái ta, để hôm nay mình gặp lại mình ở phiên bản tốt hơn, rồi từ đó trở lại với tuổi thơ và cảm nhận phiên bản ngày bé của mỗi người thế nào. Nhiều lúc chúng tôi vẫn nói với nhau: “Không biết bọn mình có bị sống chậm không nhỉ? Ngoài kia mọi người cứ hối hả làm cái gì ấy” (cười).

- Cùng với sự trở lại trong âm nhạc thì người bạn đồng hành với chị - nhạc sĩ Huy Ngô - cũng được biết đến với vai trò “một nửa” đứng sau hỗ trợ Ngọc Khuê. Chị có thể chia sẻ về mối quan hệ hiện tại của cả hai không?

- Tôi xin mạnh dạn khẳng định nhạc sĩ Huy Ngô là nhà sản xuất âm nhạc của tôi (cười). Anh Huy Ngô có nói vui rằng, chúng tôi làm nhạc với nhau suốt 4 - 5 năm qua nên “va” nhau. Tôi thuộc tuýp người ngại từ chối và rất thích…va (cười). Nói chung là chúng tôi đang “dạo” và “chơi”. Tại sao tôi đặt tên album là “Dạo chơi”? Cũng có thể hiểu đó là một cuộc dạo chơi, chúng tôi chơi với nhau, làm việc với nhau và kết quả là ra được sản phẩm âm nhạc để mọi người thưởng thức, đấy cũng là cuộc dạo chơi. Trong cuộc dạo chơi đó, các bạn bay đi đâu thì tùy vào trí tưởng tượng của mỗi người. Tôi vẫn tin khi nghe album, mọi người sẽ có được cảm giác thỏa sức bay trong âm nhạc và gợi nhắc đến giấc mơ của chính mình.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của Ngọc Khuê!