Cả giận mất khôn

(ANTĐ) - Cả Thủ tướng và Ngoại trưởng Israel cùng lên tiếng xin lỗi Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này nhằm chữa cháy cho cách hành xử được xem là "cả giận mất khôn" của một vị Thứ trưởng Ngoại giao Israel.

Cả giận mất khôn

(ANTĐ) - Cả Thủ tướng và Ngoại trưởng Israel cùng lên tiếng xin lỗi Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này nhằm chữa cháy cho cách hành xử được xem là "cả giận mất khôn" của một vị Thứ trưởng Ngoại giao Israel.

Ông Ayalon (trái) trong buổi tiếp nhằm làm bẽ mặt nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Celikkol với vị trí ngồi thấp hơn và không có quốc kỳ

Tối 13-1, Thủ tướng  Benjamin Netanyahu và Ngoại trưởng Avigdor Lieberman cùng viết một bức thư xin lỗi gửi Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Oguz Celikkol. Thủ tướng Netanyahu và Ngoại trưởng Lieberman tỏ ý lấy làm tiếc về cách hành xử của Thứ trưởng Ngoại giao Danny Ayalon với Đại sứ Celikkol.

Việc cả Thủ tướng và Ngoại trưởng Israel cùng phải "muối mặt" lên tiếng xin lỗi một nhà ngoại giao nước ngoài tại Tel Aviv được xem là chuyện xưa nay hiếm. Song đó là chuyện cực chẳng đã phải làm của chính quyền Israel nếu nhìn vào phản ứng quyết liệt từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự cố ngoại giao Israel-Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra trong buổi gặp gỡ ngày 11-1 vừa qua giữa Thứ trưởng Ayalon và Đại sứ  Celikkol. Ông Ayalon đã triệu Đại sứ Celikkol đến để phản đối bộ phim dài tập có tên "Thung lũng của bầy sói" phát trên kênh truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bộ phim có những cảnh mô tả các lực lượng an ninh Israel bắt cóc trẻ em và bắn giết người già. Phía Israel cho rằng sự mô tả này mang thông điệp chống Nhà nước Do Thái.

Có lẽ quá giận dữ nên Thứ trưởng Ayalon đã sắp xếp để nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngồi ở chiếc ghế sofa thấp hơn và trước mặt không có quốc kỳ Thổ Nhĩ Kỳ như nghi thức ngoại giao bắt buộc. Cách hành xử nhằm làm bẽ mặt người đại diện nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ đã làm Ankara nổi giận lôi đình.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ giận dữ tới mức đích thân Tổng thống nước này Abdullah Gul ngày 13-1 công khai tuyên bố đòi Israel phải xin lỗi cũng như "giải quyết vụ việc" ngay trong tối cùng ngày. Bằng không, theo Tổng thống Abdullah Gul, Đại sứ Celikkol "sẽ về nước trên chuyến bay đầu tiên của ngày 14-1".

Việc Thổ Nhĩ Kỳ làm to chuyện một sự cố ngoại giao khiến Israel phải giật mình lo ngại. Từ khi hai nước ký hiệp định hợp tác quân sự năm 1996 tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số rất ít ỏi quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi duy trì quan hệ đồng minh với Tel Aviv.

Chính vì lo ngại làm sứt mẻ mối quan hệ đồng minh với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia từng bị báo chí tiết lộ sẽ được Israel mượn đường không để tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, mà chính quyền Thủ tướng Netanyahu phải vội vã công khai lên tiếng xin lỗi. Ông Netanyahu cũng khiển trách cách hành xử của Bộ Ngoại giao Israel và mong mỏi quan hệ Israel - Thổ Nhĩ Kỳ không vì sự cố ngoại giao này mà "lạnh nhạt".

Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã bằng lòng với sự "biết điều" của chính quyền Israel khi Thủ tướng nước này Recep Tayyip Erdogan cho biết Ankara đã nhận được lời xin lỗi "mà nước này chờ đợi". Theo một nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara đã quyết định không rút Đại sứ Celikkol về nước sau khi nhận được lời xin lỗi.

HOÀNG TUẤN