Bùi Duy Thông - Tay đua Việt đầu tiên tung hoành trên đường đua châu Á

ANTĐ - Hình ảnh chàng trai 21 tuổi Bùi Duy Thông băng băng về nhất chặng và lần đầu tiên Quốc ca Việt Nam vang lên tại giải Đua xe mô tô vô địch châu Á 2016, khiến những người chứng kiến trào dâng niềm xúc động xen lẫn tự hào.

Từ giải “phủi” đến đấu trường châu Á

Sinh năm 1995 tại Đồng Nai, học hết cấp 2, Bùi Duy Thông đã phải lăn lộn với cuộc sống mưu sinh. Khi còn là cậu bé 15 tuổi, khác với đa số bạn bè cùng trang lứa, Duy Thông đam mê đua mô tô – môn thể thao vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. “Hồi nhỏ tôi rất thích theo dõi các chương trình liên quan tới mô tô. Các giải đấu trên thế giới tôi đều xem và tìm hiểu say mê. Tình yêu với mô tô và môn thể thao tốc độ cứ ngày một lớn dần”, tay đua 21 tuổi kể.

Quyết tâm theo đuổi đam mê, Thông bắt đầu tập luyện, tìm cơ hội thử sức ở các giải đấu tự phát do các lò “độ” không chuyên tổ chức và không có quy chuẩn rõ ràng. Không muốn dừng lại ở các giải đua “phủi”, năm 2013, Duy Thông mạnh dạn đăng ký các giải đấu quy mô hơn. Với thái độ học hỏi nghiêm túc, khả năng và niềm đam mê dành cho môn thể thao tốc độ, Duy Thông đã lọt vào mắt xanh của ban huấn luyện đội đua Honda.

Bùi Duy Thông (thứ hai từ phải qua) trên bục vinh quang giải Đua xe mô tô châu Á

Những chuyến “du học” nước ngoài đầy bổ ích do Honda tài trợ đã đưa tay đua trẻ người Đồng Nai đến với nhiều cột mốc mới, đặc biệt trong khoảng một năm trở lại đây. Tháng 9-2015, Duy Thông được tham gia tập huấn tại đường đua Johor, Malaysia. Trở về sau chuyến tập huấn, Duy Thông giành chiến thắng tại vòng 9 Cúp vô địch quốc gia. Tháng 11-2015, Duy Thông tiếp tục được trui rèn trong chuyến tập huấn tại đường đua Chang, Buriram cùng những tay đua quốc tế có nhiều kinh nghiệm.

Sau hai đợt tập huấn này, Bùi Duy Thông đã thể hiện được sự tiến bộ rõ rệt để tự tin bước vào đợt thi đấu chính thức của giải Đua xe mô tô vô địch châu Á 2016 - một trong những giải đua xe uy tín nhất thế giới hiện nay. Và ở chặng 3 của giải diễn ra tại trường đua Suzuka (Nhật Bản), Bùi Duy Thông cùng đồng đội người Singapore, Azhar Mohr Noor thi đấu nội dung “sức bền kéo dài 7 giờ” đã xuất sắc về nhất. Đây là chiến thắng đầu tiên của một tay đua Việt Nam tại đấu trường tốc độ quốc tế. Từ một tay đua “phủi”, Bùi Duy Thông đang ngày càng khẳng định được chỗ đứng và trở thành niềm hy vọng của đua thể thao đua xe Việt Nam.

Video: Bùi Duy Thông (số xe 117) chiến thắng ở giải chặng 3 giải châu Á

Bao giờ thoát hai chữ “phong trào” ?

Thành công của tay đua trẻ Bùi Duy Thông mở ra nhiều triển vọng cho đua mô tô Việt Nam song cùng với đó là những trăn trở với môn thể thao này. Nếu tính từ cuộc đua diễn ra năm 1989 do Sở TDTT TP.HCM tổ chức tại trường đua Phú Thọ (dành cho xe Honda 67), đua mô tô Việt Nam đã có lịch sử gần 3 thập kỷ. Thế nhưng sự chuyển mình của nó gần như quá chậm và đến nay chưa thoát khỏi hai chữ “phong trào”.

Cho đến hiện tại, hầu hết các cuộc đua vẫn diễn ra ở sân vận động và các tay đua chỉ chạy theo hình tròn, thi thoảng có thêm những giải đua đường thẳng. Hạn chế của các đường đua này là khiến VĐV khi ra thi đấu ở những trường đua chuyên nghiệp lập tức bị bỡ ngỡ bởi những khúc cua trái-phải liên tục, khúc cua “gắt” và thiết kế theo tiêu chuẩn. Chỉ cần nhìn ra các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines… có những đường đua chuyên nghiệp được xây dựng đạt chuẩn quốc tế, đã thấy một khoảng cách quá xa. Thêm nữa, các VĐV của họ đều được đào tạo bài bản, thi đấu ở các giải chuyên nghiệp trong khi các tay đua Việt Nam đều đi lên từ các giải “phủi”, ngay cả Bùi Duy Thông cũng không nằm ngoại lệ.

Các tay đua mô tô của Việt Nam hiện vẫn phải tự vượt khó để theo đuổi đam mê

Công bằng mà nói, nếu không có những chuyến tập huấn quốc tế do Honda tài trợ, Duy Thông và đua mô tô Việt Nam đã không có được danh hiệu tại sân chơi châu lục như vừa qua. Tại Việt Nam, những người có đam mê như Duy Thông rất nhiều nhưng hầu hết không thể thành công bởi thiếu một bệ phóng.

Sẽ thật khó để theo đuổi môn thể thao này khi mà tất cả VĐV gần như không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào về dụng cụ, điều kiện tập luyện thi đấu và đối mặt với rủi ro mà không nhận được bất cứ khoản bảo hiểm nào.

Sau thành công của tay đua “phủi” Bùi Duy Thông thì câu hỏi: “Đua mô tô Việt Nam bao giờ mới lên chuyên nghiệp?” tiếp tục đặt ra với giới quản lý.