- Triển lãm chuyên đề mỹ thuật Lý -Trần tại Nam Định và Bắc Ninh
- Phát động Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7 - 2024
- Người phẫu thuật thẩm mỹ có thể bị ngân hàng từ chối cho rút tiền?
Bức tranh "Người hát dân ca" được danh họa Nguyễn Phan Chánh thực hiện bằng sơn dầu trên toan khổ lớn với kích thước 90.5 x 102.5cm vào 1930, năm ông tốt nghiệp khóa đầu tiên Trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội.
Bức tranh "Người hát dân ca" |
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ace Lê cho biết, vì tính đặc sắc của tác phẩm, thầy Victor Tardieu đã tuyển bức “Người hát dân ca” gửi đi tham dự đấu xảo thuộc địa 1931 tại Paris cùng những tác phẩm lụa của Nguyễn Phan Chánh như “Bữa cơm” hay “Cô hàng ốc”.
Tháng 1/1931, con tàu hơi nước S. S. Chantilly chở các tác phẩm của sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương rời cảng Hải Phòng đến Marseille để trưng bày trong cuộc đấu xảo. Các tác phẩm này lập tức gây được tiếng vang lớn ở Pháp, và hầu hết tranh của Nguyễn Phan Chánh đều được các sưu tập chọn mua. Tháng 7/1931, ban tổ chức sự kiện đã làm một đêm tiệc cho hiệp hội y sỹ Pháp để thưởng lãm tranh, và tác phẩm “Người hát dân ca” đã được một cặp vợ chồng bác sỹ sưu tập. Tác phẩm được giữ trong tư gia họ từ 1931 rồi truyền xuống đời cháu, và đây là lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng.
Nhà đấu giá Sotheby's nhận định, bức tranh này được dự đoán sẽ lập nên kỷ lục mới trong phiên đấu giá sắp tới và được coi là tác phẩm quan trọng nhất từng được tung ra thị trường của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh.
Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh |
Tuy nhiên, nhà giám tuyển Lý Đợi nhận định, tác phẩm khó đạt mức giá 900.000 EUR như phía Sotheby's đưa ra. Vì, sự nghiệp danh họa vốn nổi bật hơn cả với vai trò tranh lụa, từ việc canh tân vật liệu, mang đến những bố cục tạo hình mới, kể những câu chuyện Việt Nam đầy khác lạ về thị giác, thẩm mỹ… Trong sơn dầu, Nguyễn Phan Chánh chưa làm được những điều giống thế này.
"Nguyễn Phan Chánh với lụa, Nguyễn Gia Trí với sơn mài, Nguyễn Tư Nghiêm với bột màu… là những cõi riêng của hội họa hiện đại Việt Nam thời kỳ đầu. Ba ông họ Nguyễn này đều nắm căn bản kỹ thuật sơn dầu, nhưng đã nhanh chóng nhận ra cõi lòng mình thuộc về nơi khác, nên dần rời đi. Họ có sự kiêu hãnh của tuổi trẻ An Nam đang trong các làn sóng cách mạng, tư tưởng, văn hóa - nghệ thuật… của thập niên 1930. Trở lại với tác phẩm “Người hát dân ca", với giá dự kiến từ 600.000 đến 900.000 EUR, tôi nghĩ khó đạt giá trần 900.000 EUR, nhưng để kiện toàn bộ sưu tập về Nguyễn Phan Chánh, thì sơn dầu là tác phẩm hiếm gặp", giám tuyển Lý Đợi nói.
Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh sinh năm 1892 ở Hà Tĩnh. Ông là họa sĩ tiêu biểu cho nền hội họa Đông Dương, đồng thời là người tiên phong nghệ thuật tranh lụa Việt Nam. Tạo hình trong tranh lụa hiện đại của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh là một điều mà chưa từng xảy ra trước đây. Có một điểm đặc biệt ở trong tranh của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đó chính là yếu tố thư pháp. Trong tranh của ông luôn luôn có thơ tiếng Hán. Đó chính là một điểm đặc biệt khi thư pháp trở thành yếu tố kết hợp với hội họa. Chính yếu tố về thư pháp đó làm cho tranh của ông khó làm giả.
Trong tranh của họa sĩ Phan Chánh chưa bao giờ xuất hiện hình bóng của những thiếu nữ Hà thành, có nghĩa cuộc sống đô thị hầu như không tác động đến ông. Ông chỉ vẽ những người phụ nữ chân quê bình dị và những đứa trẻ, chính những điều mà ông yêu thương nhất và làm nên thương hiệu của ông.
Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh để lại khoảng trên 170 tác phẩm. Ông là người đang giữ kỷ lục về số tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Những tranh nổi tiếng của ông như: "Rửa rau cầu ao", "Em bé cho chim ăn", "Chơi ô ăn quan", "Bát nước giải lao"… Trong đó, "Những cô thợ may" là bức duy nhất cán mốc triệu USD của họa sĩ, với giá 1,39 triệu USD (35 tỷ đồng) trên sàn Christie’s tháng 12/2020. Đây là giá cao nhất trả cho một bức tranh của họa sĩ Việt Nam tại thời điểm năm 2018.