Phó chủ tịch VFF Phạm Văn Tuấn:

Bóng đá Việt Nam “chết” vì ngộ nhận

ANTĐ - Vị tân Phó Chủ tịch VFF Phạm Văn Tuấn đã có những chia sẻ với PV Báo ANTĐ về hàng loạt vấn đề “nóng” của làng bóng đá Việt Nam.

Từ giới quản lý cho đến ông “bầu” đang phải trả giá cho sự ngộ nhận

- PV: Sau nhiều năm miệt mài theo đuổi chuyên nghiệp, có vẻ như giờ là lúc bóng đá Việt Nam… loạn nhất?

- Phó Chủ tịch VFF Phạm Văn Tuấn: Tôi xuất thân từ cầu thủ, rồi làm quản lý bóng đá đến nay đã gần 40 năm nên cũng có nhiều trăn trở. Ngay từ 3-4 năm trước, tôi đã lường trước với đà phát triển nóng vội, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam sẽ vỡ và sự thật giờ nó đã vỡ. Nói loạn thì hơi quá. Thực chất, khi chưa lên chuyên nghiệp, chúng ta như đi trên con đường đất bằng phẳng, nhưng sau năm 2000, chúng ta từ đường đất đi lên quốc lộ phẳng láng, phóng bạt mạng rồi vấp phải ổ gà và gục ngã là tất yếu.  

- V-League đến cơ sự này, theo ông trách nhiệm thuộc về ai?

- Lỗi trước tiên thuộc về chúng tôi – cơ quan quản lý Nhà nước, vì định hướng không theo kịp với sự phát triển, kiểm soát tình hình chưa được chặt, thậm chí thả lỏng. Chúng ta ngộ nhận là bóng đá Việt Nam đã tốt rồi. Ngoài ra, chính bản thân các ông “bầu” cũng ngộ nhận, rằng ta đây biết làm bóng đá, ta đây giàu có, không chơi bóng đá thì ai chơi… Sự ngộ nhận ngày một nghiêm trọng khi họ được tâng lên tận mây xanh mà không biết thực sự mình đang ở đâu. 

- Doanh nghiệp khủng hoảng, nhiều người lo ngại bóng đá Việt Nam sẽ trở về thời bao cấp với nguồn tiền chủ yếu từ ngân sách?

- Tôi nghĩ sẽ không có chuyện quay về bóng đá bao cấp. Vấn đề là chúng ta phải nhận thức lại bóng đá của mình. Như giải J-League của Nhật Bản, nhiều CLB, chính quyền địa phương góp tới 20% cổ phần. Điều này được họ lý giải là để khơi dậy niềm tự tôn quê hương, góp phần lôi kéo các CĐV bản địa đến sân, cũng là cơ sở để tăng nguồn thu từ quảng cáo, tiền truyền hình… Sở dĩ bóng đá Nhật thành công là do họ biết trân trọng, chăm lo tới CĐV. Còn ở ta, các ông “bầu” có thể bỏ ra hàng chục tỷ đồng để mua một cầu thủ nhưng không nghĩ tới việc bỏ 1 tỷ đồng xây dựng hội CĐV cho ra hồn. 

- Trở lại với những vấn đề tồn tại của các giải đấu quốc nội, theo ông đâu là giải pháp tháo gỡ?

- Muốn bóng đá chuyên nghiệp cần có bộ máy điều hành chuyên nghiệp, các CLB phải kiểm soát được tài chính, cân bằng thu chi… nhưng hiện nay hầu như chúng ta chưa làm được điều này. Về giải pháp, thứ nhất, kiểm soát tài chính là điều chắc chắn phải làm dù để thực hiện ở môi trường Việt Nam là không đơn giản. Thứ hai, các CLB phải giảm chi mà theo tôi cơ bản cần giảm bớt ngoại binh. Việc trả lương, thưởng, tiền lót tay cho cầu thủ ngoại tiêu tốn tới 40% nguồn tiền nuôi đội bóng. Trong tình hình hiện nay, điều này là lãng phí, chưa cần thiết. Ngoài ra, các cầu thủ nội cũng cần chia sẻ gánh nặng tài chính với đội bóng, không thể đòi mức giá cao chót vót với thu nhập bình quân hiện nay. Thứ ba, Nhà nước cũng cần chia sẻ khó khăn với các CLB. Tuần tới, Tổng cục TDTT chủ trì cùng lãnh đạo VFF, VPF sẽ làm việc cụ thể với từng địa phương, từng đội bóng xem khó khăn đến đâu, quan điểm địa phương ra sao, hướng khắc phục thế nào. Ngoài ra, cần làm việc với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem có ưu đãi gì (giãn nợ, giảm lãi suất, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp…) giúp được các doanh nghiệp thì phải làm ngay. 

- Xin cảm ơn ông !