Bóng đá Nga thất bại: Chìm trong ảo vọng

ANTĐ - Cho đến lúc này, những người yêu bóng đá Nga vẫn chưa hết bàng hoàng với cái kết quá bất ngờ và đảo ngược mọi dự đoán. Thầy trò Dick Advocaat ê chề xách va ly về nước vào đúng thời điểm mà lẽ ra họ phải bật champagne ăn mừng.

Thất bại của ĐT Nga có mở ra một thời kỳ mới?

Nếu dựa vào những gì mà “Gấu Nga” phô diễn khi VCK EURO bắt đầu thì đây là một cú sốc thực sự. Tấm vé vào tứ kết tưởng như đã nằm gọn trong túi người Nga sau khi họ đè bẹp CH Czech tới 4-1. Đó là trận thắng khiến Nga được tâng bốc lên tận mây xanh. Truyền thông thế giới thi nhau ca ngợi đội bóng của Arshavin cứ như thể họ là ứng cử viên cho chức vô địch. Và bi kịch cũng bắt đầu từ đó.

Người Nga dường như bị lóa mắt và lầm tưởng về sức mạnh của mình. Đội trưởng Arshavin được báo chí tâng bốc hết lời về sự hồi xuân đúng lúc, còn cầu thủ trẻ Dzagoev liên tục được ví von như Messi. Trong khi đó, ai cũng biết các tuyển thủ Nga, những người chơi cho các CLB trong nước, vừa trải qua mùa giải chuyển tiếp đến 18 tháng, đã kiệt sức sau quãng thời gian dài cày ải. Chỉ có chính họ là cố tình phủ nhận điều đó, dưới ánh “hào quang” của truyền thông. Thế nên, người Nga cứ ra sân và chơi bóng, nhưng những đôi chân của họ dường như không nghe theo ý muốn. Lối chơi phòng ngự của Hy Lạp bây giờ chỉ còn là cái bóng mờ so với họ 8 năm trước, nhưng như thế cũng đủ để khiến Gấu Nga hoàn toàn bất lực. Nên nhớ, trong 2 kỳ EURO gần nhất, Nga đều thắng Hy Lạp (kể cả năm 2004 Hy Lạp vô địch). Chừng đó là đủ để hiểu cú ngã của người Nga đau nhường nào.

Bóng đá Nga đã chìm trong ảo vọng, trong những bức tranh tương lai rực rỡ được truyền thông tô vẽ nên và cũng đã “chết” trong ảo vọng như thế. Cũng như Zhirkov từng được ví von là “Ronaldinho của nước Nga”, như  Dzagoev được gọi là “Messi của nước Nga”. Những cách so sánh mỹ miều ấy đã vô tình khiến những đôi chân xứ Bạch Dương chưa bao giờ có thể bay lên. Zhirkov chôn vùi tên tuổi của mình ở Chelsea, ở thời điểm tương lai đang sáng chói. Còn Dzagoev, đôi chân của anh đã nặng trịch bởi sức ép trong trận đấu quan trọng nhất.

Tất nhiên, trong một trận đấu mà Nga đã cầm bóng tới 62% và tung ra 25 cú sút về khung thành Hy Lạp, việc họ không ghi được bàn thắng có thể đỗ lỗi cho sự thiếu may mắn. Nhưng hơn tất cả, Nga đã “chết” trong một bi kịch do chính họ tạo nên, một bi kịch của những con người không có trái tim nóng, cũng chẳng có cái đầu lạnh để tiến đến vinh quang. Thất bại ở EURO cũng có thể coi như dấu chấm hết cho 1 thế hệ tài năng nhưng đã luống tuổi của ĐT Nga như Arshavin, Kerzhakov, Pogrebnyak hay Zhirkov, nhưng nó cũng sẽ mở ra một thời kỳ mới, của một ĐT Nga tràn đầy sức trẻ với Dzagoev hay Kokorin. Thế hệ ấy có thể thành công hơn nhiều thế hệ cũ, miễn là những cầu thủ trẻ ấy đã lĩnh hội được bài học ngày hôm nay, để luôn biết mình đang đứng ở đâu.