- Kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch
- Báo chí cần phát huy vai trò nòng cốt trong đấu tranh với các thế lực thù địch
- Các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội và tâm lý "bài" Trung Quốc để kích động gây rối
Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân và vì dân luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do của nhân dân |
Xuyên tạc bản chất Nhà nước pháp quyền XHCN
Có thể thấy, xuyên xuốt trong chiến lược diễn biến hòa bình, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta, phủ nhận Nhà nước pháp quyền XHCN là một “trọng điểm” mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị luôn tập trung chống phá. Chúng tìm mọi cách tung ra các luận điệu sai trái, bịa đặt nhằm công kích vào bản chất, vai trò của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Thế nên, không ngạc nhiên khi Đài châu Á tự do (RFA, trụ sở ở Mỹ) mới đây có bài viết: “Tại sao cứ phải gắn “đuôi” XHCN vào “Nhà nước pháp quyền”?”. Trong đó, phương tiện truyền thông công khai thù địch với Việt Nam này đã không úp mở gì khi đưa ra những luận điệu nhằm phủ nhận “Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”.
“Cái loa” RFA đã đưa ra những thông tin lập lờ và luận điệu sai trái để đặt vấn đề rằng, nhà nước trên thế giới hiện nay vốn đều là nhà nước pháp quyền, vậy Việt Nam “gắn” thêm “đuôi” XHCN vào làm gì? Cách hỏi này chỉ là cái cớ để chính họ “phán” luôn rằng, “để chứng tỏ có sự khác biệt, mà nói thẳng ra là ở Việt Nam thì cương lĩnh của Đảng là đứng trên Hiến pháp. Nghĩa là 5 triệu đảng viên đứng trên 100 triệu dân”. Thậm chí, họ còn ngang nhiên xuyên tạc rằng, “cương lĩnh của Đảng đặt trên Hiến pháp nghĩa là cương lĩnh được soạn bởi 200 Ủy viên Trung ương Đảng không do dân bầu chọn lại đứng trên cả Hiến pháp”. Cuối cùng, họ “huỵch toẹt” mưu toan chống phá đằng sau những luận điệu xuyên tạc khi cho rằng “Việt Nam muốn chứng tỏ hội nhập nhưng lại có XHCN đính kèm để làm chỗ dựa khi họ muốn làm điều gì có lợi cho Đảng của họ chứ không phải có lợi cho quốc gia, dân tộc” (?!); rằng “Việt Nam cũng chẳng cần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN gì cả” mà hệ thống luật pháp chỉ nhằm để “che lấp sự độc tài toàn trị”(?!).
Nếu nhìn lại suốt quá trình chống phá Đảng và Nhà nước ta, dễ dàng nhận thấy bên cạnh những tồn tại, yếu kém thì chính những thành tựu, điểm mạnh, sự ưu việt của Đảng, Nhà nước và chế độ ta lại là điều khiến các thế lực thù địch, phản động và những kẻ bất mãn, cơ hội chính trị ghen tức, cay cú nhất, đồng thời tập trung để bôi đen, xuyên tạc, chống phá. Mặc cho những luận điệu xuyên tạc, chống phá mà RFA vừa tung ra nhằm phủ nhận tính ưu việt của Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân, thì chúng ta đang không ngừng hoàn thiện, khẩn trương xây dựng “Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã đưa ra nhiều quan điểm, luận điệu nhằm phê phán, bác bỏ, phủ nhận vai trò, tính chất pháp quyền của Nhà nước XHCN Việt Nam. Chúng cho rằng, nhà nước pháp quyền là giá trị tiến bộ đã được các nước tư bản vận dụng, xây dựng, thực hiện từ lâu, bây giờ Việt Nam đặt lại vấn đề xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền là đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Chúng ra sức xuyên tạc, Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam chỉ có “đảng trị” chứ không có tính pháp quyền “pháp trị”, “xã hội không có tự do, dân chủ, nhân quyền”. Chúng lớn tiếng cho rằng, “chỉ có Nhà nước pháp quyền tư bản chứ không có khái niệm Nhà nước pháp quyền XHCN” để từ đó phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với Nhà nước. Đồng thời, kích động rằng, phải thoát ly vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước để xây dựng theo mô hình nhà nước “tam quyền phân lập” và chỉ có như vậy thì những giá trị tiến bộ về quyền cơ bản của con người mới được thừa nhận, tôn trọng và thực hiện…
Nhà nước pháp quyền XHCN là lựa chọn của nhân dân
Tuy nhiên, cũng như những mưu toan chống phá khác, mọi sự phủ nhận nhằm vào Nhà nước pháp quyền XHCN dù thâm hiểm hay tinh vi đều không thể bác bỏ được thực tế là Nhà nước pháp quyền XHCN mà chúng ta xây dựng đang không ngừng hoàn thiện kể từ khi giành chính quyền tới nay. Chúng ta đều biết, “pháp quyền”, “nhà nước pháp quyền” là những giá trị có tính phổ quát trên thế giới, cả trong nghiên cứu lý luận và thực tiễn chính trị - pháp lý. Những tư tưởng, giá trị phổ biến và tiến bộ của nhà nước pháp quyền đó là đề cao vai trò của pháp luật trong tương quan của nó với quyền lực của nhà nước. Theo đó, nhà nước phải đặt mình dưới pháp luật, chịu sự ràng buộc của pháp luật; tư tưởng về chủ quyền nhân dân với tính cách là nguồn gốc tính chính đáng, tính hợp pháp của nhà nước; đề cao các giá trị công bằng, công lý, quyền con người. Để biến những ý tưởng, tư tưởng, giá trị phổ biến được thừa nhận chung của nhà nước pháp quyền vào thực tiễn tổ chức, hoạt động của nhà nước và xã hội, đòi hỏi phải có hiến pháp và sự thượng tôn hiến pháp; tính minh bạch của pháp luật và của việc thực hiện pháp luật; pháp luật phải dễ tiếp cận và được thực hiện kịp thời, phải có sự phân quyền, phân công, phối hợp quyền lực nhà nước, trong đó phải bảo đảm sự độc lập của quyền tư pháp.
Ở Việt Nam, những giá trị cốt lõi của nhà nước pháp quyền về chủ quyền nhân dân, về tư tưởng đề cao giá trị công bằng, công lý, quyền con người đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng tới từ những ngày đầu lập nước, trở thành tư tưởng xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 xác định: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” và “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật”. Bằng chứng rõ ràng, đầy đủ nhất về quan điểm nhà nước pháp quyền của Đảng, Nhà nước ta thể hiện trong Cương lĩnh 1991 (bổ sung và phát triển năm 2011). Các văn kiện của Đảng và Hiến pháp đều khẳng định, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực, giúp chúng ta đạt được những thành tựu to lớn thời gian qua và sẽ tiếp tục là mục tiêu, động lực quan trọng để chúng ta xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội, đưa đất nước vươn tới tự do, hạnh phúc, tiến bộ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam xác định nhân dân là nguồn gốc, là chủ thể quyền lực của Nhà nước, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, thực hiện dân chủ XHCN. Hiến pháp và pháp luật có vị trí, hiệu lực cao nhất không chỉ đối với xã hội, mà ngay cả trong tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước, là cơ sở của quyền lực nhà nước. Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 đều khẳng định rõ nguyên tắc thượng tôn pháp luật; các quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm.
Có thể khẳng định, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là quy luật phát triển tất yếu của Nhà nước Việt Nam, là ước mơ, khát vọng và sự lựa chọn của nhân dân, phù hợp với các xu hướng phát triển nhà nước trên thế giới, đã được Đảng ta cân nhắc kỹ lưỡng. Trong điều kiện bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước có những biến đổi to lớn, toàn diện và sâu sắc hiện nay, chúng ta cần tập trung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam để phát huy những giá trị tiến bộ, phục vụ phát triển đất nước.