Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Sẽ hoàn thiện các quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Luật Đấu thầu vừa phải giải quyết vướng mắc vừa tạo điều kiện thuận lợi cho đấu thầu, vừa nâng cao hiệu quả quản lý. Quản lý chặt quá khiến mất tự chủ, gây ách tắc, nếu lỏng quá lại không bảo đảm quản lý Nhà nước.

Tiếp thu các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội về Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, Luật Đấu thầu là dự án luật khó ở cả trong quan điểm chính sách và cả kĩ thuật lập pháp.

Bởi Luật vừa phải giải quyết vướng mắc phát sinh vừa phải tạo được điều kiện thuận lợi cho đấu thầu, vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Quản lý chặt quá lại khiến mất tự chủ, lại gây khó khăn ách tắc, nếu lỏng quá lại không bảo đảm quản lý Nhà nước.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu sử dụng vốn của Nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết hiện có 2 luồng ý kiến và có 2 phương án.

Trong đó, phương án của Chính phủ là: Luật này thì chỉ áp dụng đối với cả doanh nghiệp Nhà nước thuộc đối tượng mà quy định tại Khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp và không áp dụng Luật này đối với cả các trường hợp lựa chọn nhà thầu dự án mà có sử dụng vốn nhà nước từ 30% vốn trở lên hoặc là dưới 30% trên 500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, một số đại biểu lại cho rằng, quy định như vậy là chưa đảm bảo quản lý chặt chẽ vốn Nhà nước vì nhiều các gói thầu của các công ty con mà thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước sẽ không phải đấu thầu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình

Làm rõ phương án của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết phương án của Chính phủ sẽ không làm thu hẹp phạm vi áp dụng của Luật và vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn Nhà nước. Khi sử dụng vốn của nhà nước thì doanh nghiệp nhà nước hay không phải doanh nghiệp nhà nước đều phải thực hiện đấu thầu theo Luật này.

Mặt khác, doanh nghiệp nhà nước phải có trách nhiệm bảo toàn sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Nhà nước không can thiệp vào các hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước tại các doanh nghiệp khác và phải bảo đảm doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường và lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí để đánh giá chủ yếu làm sao để đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cạnh tranh bình đẳng theo luật pháp.

Về trường hợp chỉ định thầu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ cùng cơ quan thẩm tra rà soát lại để bảo đảm quy định bao phủ các trường hợp, chủ động được những trường hợp phát sinh.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, dự thảo Luật đã có một chương riêng quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến y tế theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các bệnh viện, tạo thuận lợi cho hoạt động mua thuốc, thiết bị y tế đặc thù phù hợp với cả tính đặc thù, chuyên môn của ngành; bổ sung về quy định cho việc mua hóa chất kèm theo yêu cầu của nhà thầu (mô hình máy đặt, máy mượn)…

Sắp tới sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện được đầy đủ hết tất cả những vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế như các đại biểu quan tâm - Bộ trưởng nhấn mạnh.