Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói về thời điểm kinh tế Việt Nam phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  "Thời điểm phục hồi kinh tế dự tính bắt đầu từ cuối năm 2022 và tăng dần. Tới cuối năm 2023, nếu thực hiện tốt, kinh tế Việt Nam sẽ trở lại trạng thái bình thường như mong muốn”, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng trả lời tại phiên chất vấn, chiều 11-11.

Trả lời chất vấn của đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) về các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn kinh nghiệm quốc tế cho biết nhiều quốc gia đã có những quyết sách rất nhanh khi có những gói hỗ trợ quy mô rất lớn, chưa có tiền lệ và bất chấp những kỷ luật về tài chính; đồng thời chấp nhận tăng trần nợ công, nợ Chính phủ và bội chi ngân sách.

"Các nước thống nhất và quyết định rất nhanh, thực hiện ngay. Do đó, ngay sau khi phủ vaccine, cùng với các gói hỗ trợ, các nước này đã phục hồi rất nhanh về kinh tế", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết hiện Bộ KH-ĐT đang nghiên cứu tham mưu Chính phủ xây dựng chương trình phục hồi phát triển kinh tế, xã hội dự kiến kéo dài trong hai năm (2002-2023). Nếu Quốc hội thông qua kỳ họp cuối năm nay thì thực hiện ngay đầu năm 2022 để đảm bảo các mục tiêu đề ra.

Quan điểm của Bộ khi xây dựng chương trình là hỗ trợ phục hồi phải có quy mô đủ lớn, thời gian thực hiện phải phù hợp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trước chất vấn “thời điểm nào nền kinh tế Việt Nam được xem là phục hồi?” được đại biểu nêu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng hiện chưa có thống nhất nào rằng như thế nào là phục hồi.

Nhưng theo quan diểm của ông, nếu đã gọi là phục hồi tức là tất cả hoạt động của doanh nghiệp, người dân trở lại bình thường, tốc độ tăng trưởng cũng phải quay trở lại như trước khi có dịch. Và phục hồi kinh tế cần một quá trình.

"Còn thời điểm phục hồi kinh tế chúng tôi dự tính nếu chúng ta triển khai chương trình từ đầu năm 2022 thì quá trình phục hồi bắt đầu ngay cuối năm 2022 và tăng dần tới cuối năm 2023. Tới cuối năm 2023, nếu thực hiện tốt, kinh tế Việt Nam sẽ trở lại trạng thái bình thường như mong muốn", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) về giải pháp và chủ trương cụ thể để đẩy mạnh phục hồi phát triển kinh tế thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ tập trung vào 5 nhóm giải pháp chính.

Thứ nhất, tập trung mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Việc mở cửa sẽ chắc chắn, an toàn, có lộ trình và phù hợp với chiến lược chống dịch và khả năng tiêm vaccine cũng như nguồn cung thuốc điều trị, trang thiết bị y tế; tăng tính chủ động cho doanh nghiệp.

Thứ hai, hỗ trợ an sinh xã hội và tạo việc làm cho người lao động; hỗ trợ các dện chính sách, người lao động, đào tạo, kết nối việc làm, phát triển thị trường lao động; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…

Thứ ba, hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp, gồm có hỗ trợ sức chống chịu đặc biệt ở một số lĩnh vực bị tác động mạnh mẽ. Bộ đang xem xét, trình Quốc hội, cơ quan có thẩm quyền cho phép kéo dài, gia hạn, miễn giảm các loại thuế, phí cho doanh nghiệp; cấp bù lãi suất cho một số doanh nghiệp lĩnh vực ưu tiên vay.

Thứ tư, phát triển kết cấu hạ tầng, khuyến khích PPP; đẩy mạnh đầu tư công tập trung cho hạ tầng chiến lược, trọng điểm quốc gia, mang động lực lớn; đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập.

Thứ năm, tiếp tục cải cách thể chế, thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh; có chính sách quản trị rủi ro, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô.

Chiều 11-11, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng xung quanh các nhóm vấn đề: Giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh;

Công tác chuẩn bị đầu tư, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia. Tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển.

Tin cùng chuyên mục