- 'Giá bất động sản phi mã, cán bộ công chức phải vài trăm năm mới mua được nhà'
- Theo quy định mới nhất, trẻ em có được đứng tên trên sổ đỏ?
Trong phiên họp sáng nay, 21-11, sau phần thảo luận của các đại biểu Quốc hội, về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã phát biểu tiếp thu, giải trình.
Về một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến mục đích của việc ban hành Nghị quyết, Bộ trưởng nhấn mạnh, mục đích nhằm bổ sung thêm phương thức tiếp cận đất đai để thực hiện các dự án nhà ở thương mại mà các quy định pháp luật hiện nay chưa cho phép. Do vướng mắc trên phạm vi cả nước nên cần thí điểm trong cả nước mới đảm bảo công bằng, đồng bộ, thống nhất, khắc phục cơ chế xin cho.
Phân tích về 2 cơ chế dịch chuyển đất (nhà nước thu hồi đất thông qua đấu giá hoặc thu hồi; người dân thỏa thuận với doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư có đất muốn nhà nước cho phép chuyển đổi) để thực hiện các dự án nhà ở thương mại, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, các quy định của pháp luật hiện nay vẫn còn những hạn chế đối với việc tiếp cận đất đai trong triển khai các dự án nhà ở thương mại, đặc biệt liên quan đến quy mô diện tích nhỏ ở mức 2ha.
|
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu giải trình |
“Việc ban hành nghị quyết giúp các địa phương, nhất là những địa phương chỉ có các dự án quy mô nhỏ mở mức 2ha mà quy định của pháp luật chưa cho phép, giúp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận đất đai để triển khai thực hiện dự án” – Bộ trưởng Đỗ Đức Duy giải thích.
Về quy định đối với diện tích đất quốc phòng, an ninh đã được quy hoạch đưa ra khỏi đất quốc phòng, đất an ninh (Khoản 3 Điều 3), Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng việc triển khai dự án phải được sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Vì thế, nếu dự án nào đáp ứng được các yêu cầu theo quy định của pháp luật thì sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với 3 loại đất như: đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở và đất ở vì mục đích khác.
Đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực khi sử dụng đất trồng lúa, đất trồng rừng, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, vấn đề này được kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia cho đến quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cũng như lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Trong các quy hoạch, kế hoạch chúng ta đều xác định rõ có bao nhiêu diện tích đất nông nghiệp được chuyển mục đích khác để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm cả các dự án để thực hiện Nghị quyết này và các dự án nhà ở xã hội.
“Dù thực hiện theo cơ chế nào thì các dự án trong Nghị quyết này đều phải tuân theo các quy hoạch trên, theo đó giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa. Việc ban hành Nghị quyết nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, chống tham nhũng tiêu cực, tránh lợi dụng chính sách để trục lợi” – Bộ trưởng nhấn mạnh.