Bộ trưởng Bộ Công an: Tình trạng mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân rất phức tạp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhấn mạnh tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân hiện rất phức tạp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng nêu ra nhiều tồn tại, hạn chế khác trong quản lý Nhà nước về an ninh mạng hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời ĐBQH tại phiên chất vấn sáng 4-11

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời ĐBQH tại phiên chất vấn sáng 4-11

Sáng 4-11, tại phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã tham gia giải trình làm rõ thêm với các đại biểu Quốc hội liên quan đến nội dung quản lý nhà nước về an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân và công tác kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư…

Về an ninh mạng, Bộ trưởng Tô Lâm đã nêu ra 5 nhóm vấn đề tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực này. Theo Bộ trưởng, hiện nay, những quy định trong hành lang pháp lý, hệ thống văn bản chưa hoàn thiện. Việc phối hợp giữa các đơn vị chưa thực chất, nặng về hình thức, có tình trạng "khoán trắng" cho cơ quan chuyên trách.

Việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa kịp thời, triệt để, trong khi các nhà cung cấp dịch vụ thông tin mạng không có pháp nhân ở Việt Nam nên quản lý khó khăn; còn nhiều sơ hở trong quản lý, xử lý tội phạm như tiền ảo, kinh doanh ngoại hối, quản lý sử dụng sim điện thoại…

Vì vậy, giải pháp tập trung là sẽ phải hoàn thiện cơ chế quản lý, hành lang pháp lý, tăng kiểm tra, hướng dẫn quản lý nhà nước về an ninh mạng; Nâng cao trình độ, năng lực và quan tâm đầu tư trang bị công cụ, phương tiện nghiệp vụ hiện đại để theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ thế giới cho lực lượng an ninh mạng, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Cùng đó, cần tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế…

Về tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, tình trạng này đang diễn ra rất phức tạp. Bộ Công an kiến nghị một số giải pháp, gồm hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách đặc thù bảo vệ an ninh, an toàn thông tin mạng; trong đó đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm cho ý kiến về dự thảo nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Quang cảnh phiên chất vấn

Quang cảnh phiên chất vấn

Các ban, bộ, ngành, các địa phương chủ động đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng; xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin, an ninh dữ liệu; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên lĩnh vực an ninh mạng, an ninh dữ liệu.

Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, không chỉ riêng Bộ Công an mà các cơ quan liên quan đến bảo vệ dữ liệu cần tích cực phối hợp quốc tế trong lĩnh vực này.

Đối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, cơ sở này hiện đã kết nối được với 12 bộ, ngành; 4 doanh nghiệp Nhà nước và 15 UBND cấp tỉnh.

Tuy nhiên, việc kết nối còn gặp khó khăn do hạ tầng công nghệ của nhiều địa phương, bộ ngành chưa đảm bảo, thiếu đồng bộ; chưa triển khai đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin theo quy định. Nhiều cơ quan chưa số hóa dữ liệu, quy trình triển khai thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Các ngành, địa phương muốn kết nối phải có trung tâm dữ liệu và phải đảm bảo an toàn…

Thời gian tới, Bộ Công an sẽ rà soát kết nối này để phục vụ người dân. Bộ trưởng nhấn mạnh, 4 nguyên tắc để đảm bảo cơ sở dữ liệu đạt yêu cầu là đúng, đủ, sạch và sống. Thiếu một trong số yếu tố này sẽ không thực hiện được.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng thông tin, tính đến 1-11-2022, Bộ Công an đã cấp hơn 12 triệu hồ sơ định danh điện tử cho người dân. Lợi ích đối với định danh điện tử là rất lớn.