Bỏ trần chi phí quảng cáo: Doanh nghiệp, người tiêu dùng, ai được lợi?

ANTĐ - Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sẽ điều chỉnh mức khống chế chi phí khuyến mại quảng cáo từ 10% lên 15%. Đây được cho là hướng thay đổi tích cực, song nhiều doanh nghiệp lại cho rằng đó mới chỉ là “cải cách nửa vời” và  kiến nghị bỏ trần chi phí quảng cáo. 

Trong khi đó, người dân lại lo ngại nếu bỏ trần chi phí quảng cáo, thì các doanh nghiệp càng “được đà”, lấy cớ dành chi phí cho quảng cáo để đội giá sản phẩm lên cao, người dân phải gánh chịu. Vì thực tế, trong thời gian qua có nhiều sản phẩm hàng hóa đã cố tình dồn chi phí cho quảng cáo, tiếp thị và liên tục tăng giá phi lý. Giá sữa là một ví dụ.

Người dân có chịu thiệt?

Liệu giá thành sản phẩm có bị đẩy lên nếu luật cho phép tăng chi phí quảng cáo từ 10% lên 15%? TS Nguyễn Minh Phong cho rằng: Không hề có chuyện đó. Giá thành là do thị trường quyết định. Giá quá cao sẽ không ai mua. Người dân có chấp nhận giá thì mới mua. Đó là cạnh tranh lành mạnh. 

Trong điều kiện hiện nay, nếu chi cho sản xuất 1 thì bán hàng phải 9-10. Bán hàng mới là yếu tố quyết định thành bại của DN. Năm 1997, trần khống chế chi phí quảng cáo là 7%, rồi tăng lên 10% như hiện nay. Tuy nhiên mức 10% như hiện tại lại đang bị coi là “chiếc áo chật” cho các doanh nghiệp khi mong muốn quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường ngày càng lớn. Vì vậy dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp lần này kiến nghị lên mức 15%. Thế nhưng nhiều ý kiến cho rằng mức 15% vẫn là quá chật đối với nhiều doanh nghiệp và cần thiết phải bỏ trần. 

Trên thực tế, không chỉ các doanh nghiệp mà cả người tiêu dùng đều rất cần các hoạt động quảng cáo, khuyến mại. Bởi đối với người tiêu dùng, thông tin về sản phẩm sẽ là sự hỗ trợ cần thiết để họ biết về sản phẩm và ít nhiều cảm thấy thoải mái tâm lý trong khi giá cả tăng - giảm bất ngờ. Còn đối với doanh nghiệp, các hoạt động quảng bá với rất nhiều hình thức, không chỉ bao gồm trưng bày hay giới thiệu sản phẩm, mà còn có cả hình thức khuyến mại các sản phẩm dùng thử. Sự “nới rộng” chi phí quảng cáo, khuyến mại không những mở ra cơ hội sống sót cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay, mà còn nâng cao nguồn lực marketing nhằm củng cố, mở rộng và chiếm lĩnh thị trường.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: Nhiều doanh nghiệp mới bắt đầu bước chân vào thị trường. Nếu hạn chế họ quảng cáo nghĩa là hạn chế họ bán hàng, hạn chế sức cạnh tranh của họ. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam còn chấp nhận bán lỗ để tạo thương hiệu và họ phải chi nhiều cho quảng cáo trong khi giai đoạn đầu thì chưa bán được hàng. 

Cần sự minh bạch

Theo đại diện Công ty TNHH Nhà máy bia châu Á - Thái Bình Dương, việc giới hạn dưới 10% không thể đáp ứng được nhu cầu về quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại… của đa số doanh nghiệp hiện nay. Bởi trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp cần có quyền chủ động với chi phí thực tế, xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu để tăng sức cạnh tranh.  Dưới góc độ người tiêu dùng, nếu khống chế chi phí quảng cáo, người tiêu dùng sẽ không thể biết được sản phẩm thế nào và doanh nghiệp sản xuất ra sao. Đây chính là quyền được thông tin - 1 trong 8 quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo nghiên cứu 50 nước trên thế giới, chỉ còn Việt Nam và Trung Quốc khống chế trần chi phí quảng cáo, khuyến mại. Thế nhưng, quy định của Trung Quốc dễ thở hơn rất nhiều khi quy định mức trần là 15% tính trên doanh thu, chứ không phải là 10% tính trên tổng chi phí của doanh nghiệp như Việt Nam. Ở Trung Quốc, nếu trong năm doanh nghiệp không sử dụng hết “quota” 15%, thì tỷ lệ còn lại được sử dụng vào năm tiếp sau. Điều này giúp doanh nghiệp tự chủ trong sử dụng chi phí cho quảng cáo, khuyến mại, nhằm dễ dàng hơn trong tiêu thụ hàng hóa, gia tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, hoạt động quảng cáo tiếp thị có vai trò quan trọng đối với sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong cơ chế thị trường. Doanh nghiệp Việt Nam vốn đã cạnh tranh kém, nay lại bị “trói” bởi giới hạn 10% này, khiến nhiều doanh nghiệp càng rụt rè không muốn quảng bá thương hiệu của mình. Và hệ quả ai cũng biết, đó là thương hiệu hàng Việt Nam ngày càng tỏ ra hụt hơi đuối sức trong cạnh tranh, thậm chí thua trắng ngay trên sân nhà. 

Quảng cáo là hoạt động xúc tiến thương mại cần thiết của doanh nghiệp và cần cho cả người tiêu dùng. Vì vậy, nên để doanh nghiệp được chủ động quyết định chi quảng cáo khi thấy cần thiết. Nhà nước chỉ nên can thiệp vào hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp thông qua các quy định và chế tài nghiêm khắc nhằm đề cao sự minh bạch kinh doanh và ngăn cản, trừng phạt những quảng cáo sai và quảng cáo quá mức, gây cạnh tranh không lành mạnh và thiệt hại cho người tiêu dùng. Dỡ bỏ quy định về trần chi phí quảng cáo, một mặt cởi trói cho doanh nghiệp, một mặt mở ra viễn cảnh tăng trưởng mạnh cho thị trường quảng cáo, đồng thời tăng nguồn thu từ thuế cho Nhà nước từ các hoạt động này. Tuy nhiên việc giảm trừ chi phí quảng cáo cho DN cần khuyến khích tính minh bạch kinh doanh của DN; tránh cào bằng mà theo tính chất của từng nhóm ngành và tính thời gian của quảng cáo; theo mục tiêu sử dụng sản phẩm.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam: Mang lại nhiều lợi ích

Việc dỡ bỏ mức trần chi phí quảng cáo và khuyến mại mang lại lợi ích cho Việt Nam từ cả 3 góc độ: cho nền kinh tế, cho người tiêu dùng và cho cộng đồng doanh nghiệp. Nhà nước cũng không thất thu bởi khoản chi của doanh nghiệp này đồng thời là khoản thu của doanh nghiệp khác cung cấp dịch vụ (ví dụ quảng cáo ...) và Nhà nước đã đánh thuế đối với khoản thu này. Ngoài ra, việc áp dụng Luật Quản lý thuế một cách hiệu quả cũng sẽ góp phần hạn chế gian lận và đảm bảo nguồn thu ngân sách. Từ góc độ của ngành công nghiệp bán lẻ thì phải nói rằng các hoạt động doanh nghiệp, đặc biệt là hoạt động khuyến mại hiện nay đang được coi là hoạt động hiệu quả, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang suy giảm như hiện nay. Các hoạt động khuyến mại nhằm kích cầu, tăng sức mua của người dân hiện nay đang xuống rất thấp. Tôi nghĩ rằng những loại chi phí này rất cần thiết được khấu trừ trong chi phí quảng cáo khuyến mại và không nên bị bỏ ra ngoài.

Anh Nguyễn Thành Nam, quận Tây Hồ, Hà Nội: Quảng cáo nên ở mức độ vừa phải

Quảng cáo tiếp thị là nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp để tăng doanh số bán hàng. Tuy nhiên cũng không nên quá lạm dụng. Tôi nghĩ rằng hiện nay đa phần người dân đều cảm thấy họ đang bị nhồi nhét quá mức các chương trình quảng cáo và khuyến mãi. Những công ty quảng cáo quá ồ ạt khiến mọi người xung quanh khó chịu và mệt mỏi. Bên cạnh đó, là giá thành sản phẩm. Nếu như các doanh nghiệp chi quá nhiều cho quảng cáo thì giá thành sản phẩm chắc chắn sẽ đội lên. Và điều đó không có lợi cho người tiêu dùng. Điều người tiêu dùng cần là sự minh bạch và hợp lý trong giá thành và chất lượng sản phẩm.