Tại 2 đêm diễn thử của chương trình sân khấu nhỏ-Nhà hát Cải lương Hà Nội diễn ra đầu tháng 9-2012, một cảnh tượng ít thấy tại sân khấu Thủ đô đã diễn ra. Các tiểu thương buôn bán ở chợ, các nhân viên làm việc tại tổ chức phi chính phủ… đã rất tự tin đứng chung trên sân khấu và hòa giọng cùng các diễn viên chuyên nghiệp trong một trích đoạn cải lương nổi tiếng.
Ngày hôm đó, họ đã hóa thân thành chàng Trương Chi với tiếng sáo du dương, buồn đến nức lòng, thành Lan và Điệp trong chuyện tình đầy nước mắt… Không được đào tạo bài bản, các diễn viên nghiệp dư không thể giấu được giọng hát chưa thật tròn vành rõ tiếng và phô chênh, phần vũ đạo không được mềm mại, uyển chuyển. Nhưng điều đó không khiến các khán giả ở dưới bực mình, khó chịu, mà trái lại diễn viên lại nhận được những tràng vỗ tay động viên và tán thưởng.
Lý do giải thích cho việc khán giả không nề hà bỏ tiền ra mua vé vào rạp để nghe nghiệp dư hát là bởi họ là những người thân, gia đình, bạn bè của các các diễn viên không chuyên. Nhà hát Cải lương Hà Nội đã biến thánh đường sân khấu, nơi chỉ dành cho các vở diễn có sức nặng và là nơi tỏa sáng của các tài năng nghệ thuật truyền thống trở thành sân chơi dành cho những tâm hồn yêu mến nghệ thuật cải lương nhưng chưa có cơ hội đứng trên sân khấu và thể hiện tài năng. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, cách làm mới này có nguy cơ hạ thấp nghệ thuật cải lương truyền thống, biến sân khấu trở nên tầm thường hóa và làm phá vỡ đi những bài bản vốn có của cải lương. Ông Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội đã giải đáp: “Bản chất cải lương là vậy, là đàn ca tài tử và rất gần gũi với công chúng. Chúng tôi làm công việc này đã lường trước đến những luồng ý kiến trái chiều nhưng trước lời động viên và khuyến khích của Hội đồng Nghệ thuật thành phố cần nhân rộng mô hình, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai”.
Diễn viên nghiệp dư mới được hát
Trước những lời giới thiệu của các diễn viên nghiệp dư trên sân khấu về nghề nghiệp và niềm yêu thích cải lương của mình, có người cũng đã giật mình và có phần lo ngại về mức độ nghiêm túc cũng như chất lượng của chương trình trước khi được biểu diễn, những người tham dự đã trải qua công đoạn sàng lọc. Tham gia chương trình bắt buộc người chơi phải là diễn viên không chuyên, không có chuyện đàn một phách, giọng một nẻo. Hơn thế, thông qua sân chơi dành cho nghiệp dư, nhiều tài năng sẽ được phát lộ và nếu họ có nguyện vọng, nhà hát sẽ đào tạo để trở thành diễn viên chuyên nghiệp. Chỉ qua 2 đêm diễn, một tài năng cải lương đã được phát lộ trong một trích đoạn của vở cải lương “Luận anh hùng”. Theo đánh giá của NSƯT Trần Quang Hùng, “So với các diễn viên của nhà hát, có người còn không bằng. Chúng tôi sẽ mời anh tham gia cộng tác với nhà hát trong một số chương trình”.
Ngay khi vừa ra mắt, số lượng hội viên tham gia sân khấu nhỏ-Nhà hát Cải lương Hà Nội đã tăng thêm đáng kể và dự kiến, chương trình sẽ diễn ra định kỳ 2 số/tháng. Với cách làm này, những người yêu mến nghệ thuật cải lương nghiệp dư đã có dịp được đứng trên sân khấu và biểu diễn cho người thân, bạn bè cùng xem tài năng của họ. Tuy đây không phải là cách làm ngay lập tức cứu vãn được sự đi xuống của nghệ thuật cải lương so với thời hoàng kim nhưng cũng đã cho thấy sự tích cực đổi mới để không bị tụt hậu của Nhà hát Cải lương Hà Nội.