Bộ Tài chính thông tin về những quy định mới “siết” hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ông Ngô Viết Trung, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã thông tin về những quy định mới đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại Thông tư số 67/2023/TT-BTC, đặc biệt là hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Hoàn thiện khung khổ pháp lý về kinh doanh bảo hiểm

Ngày 02/11/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 67/2023/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định số 46/2023/NĐ-CP.

Như vậy, đến thời điểm này, hệ thống khung khổ pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã được hoàn thiện, qua đó, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, đầy đủ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm.

Theo ông Ngô Viết Trung, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Thông tư số 67/2023/TT-BTC đã bổ sung một số quy định mới so với các quy định hiện hành theo các nhóm vấn đề như sau:

Quy định về cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng; hình thức cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng; thông báo về việc cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng; quy định về dịch vụ, kỹ thuật, bảo mật và lưu trữ dữ liệu; trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Quy định về phương pháp, cơ sở tính phí sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm vi mô, bảo hiểm xe cơ giới; thanh toán phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài; cung cấp sản phẩm bảo hiểm; tài liệu tóm tắt quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe; tài liệu minh họa bán hàng của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ; tài liệu giới thiệu sản phẩm, bản yêu cầu bảo hiểm, bảng câu hỏi liên quan đến rủi ro bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, thông tin quảng cáo của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe;

Ông Ngô Viết Trung

Ông Ngô Viết Trung

Đáng nói, Thông tư bổ sung hoàn toàn mới so với quy định hiện hành quy định về công khai thông tin như: đăng tải thông tin; nội dung thông tin công khai bất thường.

Đặc biệt là quy định về cung cấp sản phẩm bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Bán bảo hiểm qua ngân hàng

Riêng với quy định mới được dư luận đặc biệt quan tâm là quy định về bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD), ông Trung cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và các văn bản hướng dẫn đã bổ sung một số quy định mới theo hướng tăng cường tính minh bạch; Đảm bảo quyền chủ động lựa chọn tham gia của khách hàng; Tăng cường trách nhiệm giám sát và đảm bảo chất lượng của hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Cụ thể, để tăng cường tính minh bạch trong cung cấp bảo hiểm qua ngân hàng, Thông tư quy định:

Tại mỗi chi nhánh, phòng giao dịch của TCTD phải thiết lập một quầy giao dịch riêng để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, tách biệt với khu vực hoạt động nghiệp vụ khác của TCTD;

Yêu cầu đại lý bảo hiểm phải thực hiện ghi âm quá trình tư vấn bảo hiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm phức tạp như sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư;

Trong quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, hoặc nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải cung cấp đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm các thông tin về sản phẩm bảo hiểm thông qua các tài liệu do doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) xây dựng và cung cấp;

Yêu cầu đối với các tài liệu trong hợp đồng bảo hiểm: Đối với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ dài hạn, có giá trị hoàn lại, DNBH có trách nhiệm cung cấp bản giấy tài liệu tóm tắt cho bên mua bảo hiểm và phải có xác nhận của bên mua bảo hiểm để giúp người mua bảo hiểm dễ dàng tiếp cận hơn với các thông tin, hiểu rõ hơn về sản phẩm, quyền và nghĩa vụ khi tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trước khi quyết định giao kết hợp đồng. Thời gian cân nhắc 21 ngày tham gia bảo hiểm được xác định kể từ khi bên mua bảo hiểm xác nhận đã nhận được các tài liệu nêu trên.

Yêu cầu các ngân hàng hoạt động đại lý phải thông tin rõ cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm được phân phối qua TCTD không phải là sản phẩm của TCTD và việc tham gia sản phẩm bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để sử dụng các dịch vụ, sản phẩm khác của TCTD.

Để đảm bảo quyền chủ động lựa chọn tham gia của khách hàng, Thông tư quy định:

Phải thiết lập công cụ tính toán trên website của doanh nghiệp và hướng dẫn để khách hàng có thể chủ động, tự xây dựng kế hoạch bảo hiểm phù hợp với bản thân trước khi lựa chọn giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Tổ chức tín dụng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước 60 ngày và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.

Để tăng cường trách nhiệm giám sát và đảm bảo chất lượng của hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, Thông tư quy định TCTD phải thiết lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, phải có quy trình giám sát và kiểm soát chất lượng việc thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm của các nhân viên trong tổ chức đại lý.

Cho phép DNBH tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với chất lượng hoạt động đại lý của nhân viên trong tổ chức đại lý;

Thông tư cũng sửa đổi các giới hạn đối với các khoản hoa hồng theo hướng yêu cầu phân bổ thời gian chi trả hoa hồng dài hơn, nhằm khuyến khích đại lý chú trọng vào chất lượng khai thác và duy trì hợp đồng bảo hiểm. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng bổ sung giới hạn đối với chi phí thưởng, hỗ trợ đại lý nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm, hướng tới phát triển chất lượng hơn là tập trung vào số lượng.