Bộ Tài chính nói gì về kiến nghị giảm thuế, phí đối với xăng dầu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời cử tri thành phố Hà Nội liên quan đề nghị nghiên cứu điều chỉnh các loại thuế và phí cho phù hợp để giảm giá xăng dầu, góp phần giảm bớt khó khăn cho nhân dân.

Cơ cấu thuế phí với xăng, dầu Việt Nam thấp hơn mặt bằng chung

Theo đó, kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội phản ánh: Hiện nay, Bộ Tài chính áp dụng cơ cấu tính giá xăng dầu đưa vào các loại thuế, phí quá cao như: Thuế nhập khẩu 10%, VAT 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) 10%, thuế bảo vệ môi trường (BVMT) 3.800-4.000 đồng/lít. Bốn loại thuế chiếm 38% giá xăng dầu.

Cùng với đó, các chi phí khác như chi phí vận chuyển, định mức kinh doanh, lợi nhuận định mức, quỹ bình ổn chiếm 62%, dẫn đến giá xăng dầu trong nước cao, chỉ số giá tiêu dùng CPI cao.

Do đó, cử tri đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu điều chỉnh các loại thuế và phí cho phù hợp để giảm giá xăng dầu, góp phần giảm bớt khó khăn cho nhân dân.

Trả lời kiến nghị trên, Bộ Tài chính cho biết: Từ đầu năm 2021 đến nay, giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tục thay đổi khó lường, trong đó có những đợt tăng, giảm với biên độ khá lớn.

Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, giá xăng dầu thời gian tới sẽ còn diễn biến phức tạp, khó dự báo và sẽ chịu sự chi phối của nhiều nhân tố, đặc biệt là các biện pháp can thiệp vào nguồn cung của các nước, các vấn đề chính trị ở một số khu vực cũng như sự phục hồi kinh tế của các nước trên thế giới sau đại dịch Covid-19.

Trong nước, để giảm thiểu ảnh hưởng do sự biến động giá xăng dầu trên thị trường thế giới đối với giá xăng dầu trong nước, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã sử dụng hiệu quả Quỹ Bình ổn giá, đảm bảo phù hợp với quy định. Theo đó, giá xăng dầu trong nước đã có mức tăng thấp hơn mức tăng giá xăng dầu trên thị trường thế giới.

Về chính sách thuế, cơ cấu thuế, phí và các yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, theo Bộ Tài chính, hiện hành, các sắc thuế áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu gồm: thuế nhập khẩu (đối với xăng dầu nhập khẩu), thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế TTĐB (đối với xăng) và BVMT (không thu phí, lệ phí đối với xăng dầu), đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như thực tiễn của Việt Nam.

Giá xăng dầu liên tục tăng gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp

Giá xăng dầu liên tục tăng gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp

Cụ thể, về thuế nhập khẩu, xăng dầu nhập khẩu hiện nay chủ yếu từ các nước ASEAN, Hàn Quốc với mức thuế nhập khẩu FTA là 8% đối với xăng và 0% đối với dầu, đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế.

Về thuế VAT, theo quy định hiện nay, mặt hàng xăng dầu chịu thuế suất 10%.

Về thuế TTĐB, hiện hành, chỉ có mặt hàng xăng thuộc diện chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10% (không thu thuế TTĐB đối với dầu các loại). Riêng xăng sinh học E5 có mức thuế suất thuế TTĐB là 8% và xăng E10 là 7%. Đây là mức trung bình thấp so với nhiều nước.

Về thuế BVMT, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định mức thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng dầu, cụ thể: xăng (trừ etanol) là 4.000 đồng/lít; dầu diezel, dầu mazut và mỡ nhờn: 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít. Đối với các mặt hàng xăng sinh học như xăng E5, E10 - chứa 5% - 10% etanol thì chỉ tính thuế BVMT đối với lượng xăng gốc hoá thạch kết cấu trong xăng sinh học.

Bộ Tài chính cho hay, so với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung. Tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 45- 60% (ngoại trừ một số nước có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn), trong khi đó, đối với nước ta, tỷ trọng thuế đối với xăng khoảng 38% và đối với dầu khoảng 20%.

Ngoài ra, về các chi phí vận chuyển, định mức kinh doanh, lợi nhuận định mức, theo Bộ Tài chính, hiện nay, các khoản chi phí khác cấu thành trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu được quy định cụ thể tại Nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021 và Thông tư 104/2021.

Các khoản chi phí này được rà soát, đánh giá hàng năm trên cơ sở các chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ phát sinh tại các thương nhân, đầu mối kinh doanh xăng dầu. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ thực hiện thông báo điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Hiện nay, toàn bộ các khoản chi phí định mức áp dụng trong công thức giá cơ sở chiếm khoảng từ 5- 8% mức giá cơ sở hiện hành.

Sẽ nghiên cứu giải pháp phù hợp

Về điều hành giá xăng dầu trong nước, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, giá xăng dầu đang được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo quy định tại Nghị định 83/2014 và Nghị định 95/2021 của Chính phủ. Để quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 103/2021 hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Thời gian qua, công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được sử dụng linh hoạt, hiệu quả đã giúp công tác điều hành giá xăng dầu trong nước tăng, giảm ở mức độ phù hợp, không xảy ra tình trạng đột biến về giá. Năm 2021, Quỹ Bình ổn giá gần như liên tục được sử dụng để giữ ổn định hoặc hạn chế mức tăng giá, qua đó góp phần bình ổn giá và hỗ trợ đời sống, sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Bộ Tài chính khẳng định, qua theo dõi giá xăng dầu tại một số quốc gia, giá xăng dầu của nước ta hiện đang thấp hơn so với mặt bằng chung của nhiều nước trong khu vực . Theo số liệu của Global Petrol Prices ngày 31/1/2022, giá xăng của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như Trung Quốc là 26.611 đồng/lít, Lào là 30.665 đồng/lít và Campuchia là 26.184 đồng/lít.

Tại Việt Nam, giá xăng E5 Ron92 bán ra trên thị trường trong nước ngày 7/2/2022 là 23.590 đồng/lít và xăng Ron95 là 24.360 đồng/lít, thấp hơn đáng kể so với mặt bằng giá xăng chung của các nước trong khu vực cũng như mức bình quân trên thế giới (28.062 đồng/lít).

Liên quan đến chính sách thuế đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan theo dõi sát sao diễn biến giá xăng dầu trên thị trường trong nước và thế giới để nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp với bối cảnh và thực tiễn hiện nay.