Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, Luật Hàng không dân dụng (HKDDVN) năm 2006 quy định Nhà nước quản lý các loại giá dịch vụ hàng không, giá vận chuyển hàng không bằng mức giá cụ thể hoặc khung giá. Đây là quy định hết sức cần thiết nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, chống sự lợi dụng vị thế độc quyền tự nhiên, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo sự phát triển đồng bộ các loại hình dịch vụ hàng không do đặc thù địa bàn hạn chế của hoạt động hàng không dân dụng và sự phụ thuộc lẫn nhau của các loại hình dịch vụ hàng không.
Tuy nhiên, Luật HKDDVN năm 2006 chưa quy định về sự quản lý của Nhà nước đối với loại hình dịch vụ phi hàng không tại cảng hàng không, sân bay mà thực tiễn thời gian vừa qua xã hội đã yêu cầu mạnh mẽ Nhà nước phải can thiệp vào mức giá cụ thể, chống sự lợi dụng địa bàn hạn chế để tăng giá quá mức.
Bên cạnh việc giữ nguyên thẩm quyền của Bộ Tài chính đối với việc quy định về các loại phí, lệ phí, cần quy định thẩm quyền của Bộ GTVT quy định các mức giá, khung giá trên cơ sở phương pháp định giá theo quy định của Bộ Tài chính và các hình thức kê khai giá, niêm yết giá nhằm đảm bảo tính chủ động, linh hoạt của Bộ quản lý chuyên ngành và sự kiểm soát chung của Bộ Tài chính trong công tác quản lý giá, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hàng không dân dụng linh hoạt trong hoạt động cạnh tranh.
Cụ thể: Bộ GTVT quy định mức giá đối với một số dịch vụ hàng không quan trọng, mang tính dịch vụ công ích (giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh; điều hành bay đi, đến; hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay; soi chiếu an ninh; giá phục vụ hành khách; giá dịch vụ an ninh hàng không tăng cường, giá điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý) trên cơ sở phương pháp định giá theo quy định của Bộ Tài chính.
Riêng với giá các dịch vụ phi hàng không khác tại cảng hàng không, sân bay, doanh nghiệp cũng được quyền chủ động quyết định giá nhưng phải niêm yết công khai các loại giá này. Bộ Giao thông vận tải sẽ giám sát thực hiện, trường hợp cần thiết sẽ quy định khung giá trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Do đó, UBPL nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về việc giao thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng cho Bộ GTVT nhằm đáp ứng các yêu cầu hoạt động của hàng không dân dụng và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Các yêu cầu về quốc phòng, an ninh sẽ được bảo đảm qua sự phối hợp, thống nhất ý kiến giữa Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng như đã được quy định trong dự thảo Luật.
Tuy nhiên, UBPL cũng đề nghị cần nghiên cứu quy định ngay trong Luật trường hợp và điều kiện, trình tự, thủ tục mở, đóng sân bay chuyên dùng; nguyên tắc phối hợp giữa Bộ GTVT với Bộ Quốc phòng trong việc mở, đóng sân bay chuyên dùng nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và khả thi.
Vấn đề quản lý, cấp phép bay cho tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ
Thực tiễn cho thấy, tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ cần phải được quản lý chặt chẽ do đặc điểm và tính năng hoạt động của loại tàu bay này có liên quan mật thiết đến bảo đảm an ninh, quốc phòng và các hoạt động này chủ yếu nằm ngoài đường hàng không. Vì vậy, cần sửa đổi và phân định rõ thẩm quyền quy định về khai thác tàu bay như sau: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có thẩm quyền quy định về điều kiện khai thác tàu bay vì đây là tàu bay dân dụng, được thiết kế, chế tạo và bảo đảm đủ điều kiện bay theo tiêu chuẩn hàng không dân dụng; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thẩm quyền quy định về khai thác tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ vì tàu bay này chủ yếu bay ngoài đường hàng không, liên quan trực tiếp đến an ninh, quốc phòng và công tác quản lý, bảo vệ vùng trời của Bộ Quốc phòng.