Bộ GD-ĐT yêu cầu hướng dẫn thí sinh hạn chế sai sót khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Bộ GD-ĐT yêu cầu chủ động chỉ đạo hoàn thành chương trình lớp 12 để học sinh có thời gian ôn thi, hướng dẫn thí sinh hạn chế sai sót khi đăng ký dự thi.
Bộ GD-ĐT cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ diễn ra trong 2 ngày nhưng cần chuẩn bị ít nhất 2 tháng

Bộ GD-ĐT cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ diễn ra trong 2 ngày nhưng cần chuẩn bị ít nhất 2 tháng

Mục tiêu cao nhất là tổ chức một Kỳ thi nghiêm túc, công bằng, an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, công tác chuẩn bị đóng vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần quyết định sự thành công.

Theo đó, địa phương phải chuẩn bị phải kỹ lưỡng, chủ động, chu đáo, từ xây dựng kế hoạch cho đến lường trước các tình huống có thể xảy ra, dự phòng những giải pháp xử lý.

Sở GD-ĐT cần khẩn trương tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, thành phố sớm thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh và các các điểm thi, hội đồng thi… khi điều kiện cho phép;

Kịp thời triển khai, quán triệt các văn bản của Bộ như quy chế, hướng dẫn…; thể chế hoá thành văn bản chỉ đạo của Ban chỉ đạo cấp tỉnh và triển khai ngay để các nhà trường, điểm thi, hội đồng thi có thời gian nghiên cứu, chủ động xây dựng kế hoạch.

Sở cần chủ động chuẩn bị sớm, đầy đủ, chu đáo những điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất cho công tác thi.

Chuẩn bị nhân lực tham gia Kỳ thi, chú trọng lựa chọn nhân sự từng công đoạn, từng con người.

“Chúng ta có xây dựng kế hoạch tốt đến đâu đi chăng nữa, có các phần mềm hiện đại đến đâu đi chăng nữa… nhưng con người không được chuẩn bị chu đáo thì cũng là nhân tố rủi ro rất cao. Hàng vạn người tham gia tổ chức Kỳ thi, một sai sót nhỏ của cá nhân, phòng thi, điểm thi… có thể làm hỏng cả Kỳ thi. Mong các đồng chí lưu ý”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Sở GD-ĐT chủ động đề xuất, phối hợp tốt với các sở, ngành liên quan. Trong đó, Sở GD-ĐT là cơ quan thường trực cần chủ động đề xuất nhu cầu, mong muốn; làm sao huy động được đông đảo nhất lực lượng tham gia, vừa tạo sự chia sẻ, ủng hộ, đồng thuận, vừa phù hợp.

Quan tâm, chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra mọi khâu mọi công đoạn, đảm bảo an ninh, an toàn cho Kỳ thi. Kiểm tra diện rộng, thanh tra trọng tâm trọng điểm. Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn và tổ chức tập huấn riêng cho công tác kiểm tra, thanh tra Kỳ thi.

Đặc biệt, địa phương cần chủ động chỉ đạo hoàn thành chương trình lớp 12 để các em có thời gian ôn tập. Các văn bản của Sở cần hướng dẫn tất cả thí sinh đăng ký dự thi đúng, đủ, hạn chế sai sót.