Bộ Công Thương yêu cầu đảm bảo nguồn cung xăng dầu dịp cuối năm

ANTD.VN -  Do nhu cầu sử dụng xăng dầu tăng cao dịp cuối năm, giá xăng dầu có xu hướng giảm khiến một số doanh nghiệp xăng dầu có biểu hiện "không muốn bán" nên Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu đảm bảo nguồn cung.

Yêu cầu đảm bảo nguồn cung xăng dầu dịp cuối năm

Ngày 25-8, Bộ Công Thương đã có 2 văn bản gửi thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu và Sở Công Thương các địa phương về việc đảm bảo xăng dầu dịp cuối năm.

Bộ Công Thương nhận định, hiện nay đang vào giai đoạn cuối năm, nhu cầu sử dụng xăng dầu phục vụ việc đi lại, sinh hoạt của người dân và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tăng cao (đặc biệt vào các dịp nghỉ lễ như lễ Quốc khánh 2-9, tết Trung Thu, Giáng sinh…).

Do đó, Bộ Công Thương yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu (đối với các thương nhân đầu mối) để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới;

Không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp;

Chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối, cho các khách hàng một cách hợp lý để bảo đảm không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường;

Thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.

Nếu các doanh nghiệp có vướng mắc, Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp gửi báo cáo về Vụ Thị trường trong nước để phối hợp xử lý.

Đối với Sở Công Thương các địa phương, Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới;

Giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng ngừng bán hàng không có lý do chính đáng;

Yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định tại Điều 26 của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, khoản 21 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP; đồng thời, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Giá xăng dầu có chiều hướng giảm trong thời gian qua đã khiến thị trường xăng dầu xuất hiện một số biểu hiện vi phạm. Tại nhiều địa phương, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) kiểm tra, phát hiện vi phạm về kinh doanh xăng dầu như chậm điều chỉnh giá bán, bán xăng tại cột bơm đã hết hạn kiểm định.

Tại TP HCM, lực lượng chức năng cảnh báo tình trạng dùng hóa chất nhập khẩu để pha chế xăng dầu trái phép.

Trong khi đó, có doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chia sẻ “không muốn bán” xăng dầu khi diễn biến giá cả như hiện nay, vì càng bán càng lỗ. Những biểu hiện này cần được chấn chỉnh để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước ổn định.

Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá diễn ra chiều 24-8, Bộ Công Thương cập nhật thông tin cho biết, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới giảm trong quý IV/2022, bình quân cả năm ở mức 115 - 125 USD/thùng (giảm so với mức dự báo 130-140 USD/thùng đưa ra tại cuộc họp vào tháng trước).

Bên cạnh đó, theo tính toán, giá bình quân các mặt hàng xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới quý IV/2022 sẽ ở mức 110-120 USD/thùng (tăng 18,64% – 31,49% so với cùng kỳ năm 2021), cả năm 2022 ở mức 115-125 USD/thùng (tăng từ 46,3% - 64,1% so với năm 2021).

Bình quân giá bán lẻ xăng dầu trong nước năm 2022 ước tăng so với bình quân giá bán lẻ xăng dầu năm 2021 từ 23,43%-37,16% đối với mặt hàng xăng và tăng khoảng 36,1% đến 46,4% đối với mặt hàng dầu diesel.