- Giá xăng dầu lại giảm mạnh từ chiều nay, RON95 xuống dưới 20.000 đồng/lít
- Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu xăng dầu, vi phạm về hóa đơn
Bà Nguyễn Thúy Hiền- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước giải đáp về Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu, nội dung liên quan đến thương nhân phân phối |
Theo luật định, hoạt động thương nhân phân phối xăng dầu đang được quy định như thế nào?
Bà Nguyễn Thúy Hiền: Theo quy định hiện hành, mặt hàng xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, khi tham gia thị trường các thương nhân cần phải đáp ứng, duy trì các điều kiện và thực hiện quyền và nghĩa vụ ở từng phân khúc mà thương nhân tham gia.
Đối với thương nhân phân phối, hiện nay phải đáp ứng và duy trì các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ hoạt động kinh doanh như: có 5 cửa hàng trực thuộc, 10 đại lý bán lẻ, có kho bể, phương tiện vận tải sở hữu hoặc thuê trên 5 năm,..
Về quyền: họ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu khác; Được kinh doanh xăng dầu theo hình thức giao cho hệ thống trực thuộc theo Luật Thương mại; kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại; bán lẻ tại các cửa hàng trực thuộc, bán cho các đơn vị trực tiếp sử dụng phục vụ sản xuất…
Về nghĩa vụ: thì họ phải chịu trách nhiệm về chất lượng, số lượng, giá bán trên hệ thống của mình; giám sát và chịu trách nhiệm về hệ thống đăng ký hệ thống, đăng ký thời gian bán hàng, tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy….
Với khoảng 300 thương nhân phân phối xăng dầu thì thị trường xăng dầu phát triển và cạnh tranh hơn, liệu có rủi ro nào từ thị trường này thưa bà?
Bà Nguyễn Thúy Hiền: Thương nhân phân phối xăng dầu trở thành một mắt xích quan trọng trong hệ thống phân phối xăng dầu, tạo nên một hệ thống phân phối hoàn chỉnh bắt đầu từ khâu tạo nguồn (nhập khẩu, mua của nhà máy sản xuất) - phân phối - bán lẻ.
Tuy vậy, qua quá trình kiểm tra, thanh tra và điều tra, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra đã chỉ ra một số tồn tại trong hoạt động của thương nhân phân phối là:
Thứ nhất, việc cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu của nhau tạo ra nhiều tầng nấc trung gian trong khâu phân phối (thị trường thứ cấp) làm tăng thêm chi phí trong khâu này là một trong những nguyên nhân dẫn tới chiết khấu tại khâu bán lẻ ở mức thấp, không khuyến khích doanh nghiệp bán xăng dầu ra thị trường.
Thứ hai, việc mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau trên thực tế khiến cho cùng một lượng xăng dầu đưa ra tiêu thụ trên thị trường nhưng đều nằm trong số liệu báo cáo tiêu thụ xăng dầu của nhiều thương nhân phân phối xăng dầu, tạo nên con số tiêu thụ "ảo" trên thị trường, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát nguồn cung, điều tiết thị trường.
Thứ ba, việc thương nhân phân phối xăng dầu mua bán xăng dầu lẫn nhau như hiện nay, trên thực tế còn phục vụ mục đích kinh doanh tài chính của doanh nghiệp, tạo doanh thu cho thương nhân phân phối xăng dầu để chứng minh tài chính khi vay vốn ngân hàng, không đảm bảo đúng mục tiêu kinh doanh xăng dầu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Dự thảo Nghị định quy định thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và được bán xăng dầu cho cơ quan, tổ chức, nhà máy để phục vụ sản xuất; cung ứng xăng dầu cho thương nhân bán lẻ xăng dầu, có nghĩa là các thương nhân phân phối không được mua bán xăng dầu với nhau?
Bà Nguyễn Thúy Hiền: Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu đã xây dựng hệ thống phân phối xăng dầu với 3 cấp (phân khúc): Thương nhân đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu - Thương nhân phân phối xăng dầu - Thương nhân bán lẻ xăng dầu, đồng thời, Dự thảo quy định cụ thể về điều kiện, quyền và nghĩa vụ của thương nhân ở từng phân khúc. Mặt hàng xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, khi tham gia thị trường các doanh nghiệp cần phải đáp ứng các điều kiện, thực hiện quyền và nghĩa vụ ở từng phân khúc mà doanh nghiệp tham gia.
Dự thảo Nghị định thiết kế theo hướng bỏ quy định mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau, loại bỏ số liệu “ảo” về lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường.
Qua đó giúp cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tính toán chính xác được lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước để mua từ các nhà sản xuất trong nước, nước ngoài phục vụ cho tiêu thụ trong nước; (2) Cơ quan quản lý nhà nước xác định được chính xác nhu cầu tiêu thụ trong nước để thực hiện phân giao tổng nguồn hàng năm cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nhằm bảo đảm nguồn cung phục vụ tiêu thụ trong nước.
Như vậy có trái quy định, vi phạm pháp luật kinh doanh không, thưa bà?
Bà Nguyễn Thúy Hiền: Một số ý kiến cho rằng quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu với nhau có thể có yếu tố hạn chế cạnh tranh trên thị trường, không đảm bảo sự công bằng theo nguyên tắc thị trường gây ra phản ứng của thương nhân phân phối xăng dầu cho rằng bị phân biệt đối xử.
Tuy nhiên, kinh doanh xăng dầu là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nên thương nhân phải tuân thủ điều kiện khi tham gia kinh doanh.
Việc quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu lẫn nhau không làm mất đi tính cạnh tranh trên thị trường. Các thương nhân trong từng phân khúc thị trường vẫn tự do cạnh tranh với nhau. Đồng thời, quy định này cũng tạo động lực cho thương nhân phát triển hướng tới phân khúc thị trường cao hơn (làm thương nhân đầu mối).
Một số điểm mới trong dự thảo Nghị định:
1. Cơ chế điều hành giá xăng dầu
Dự thảo Nghị định đưa ra công thức giá bán xăng dầu để doanh nghiệp tự tính toán giá, quy định nhà nước công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định giá, thực hiện kê khai giá và gửi văn bản kê khai giá, thông báo giá về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giám sát.
2. Bình ổn giá xăng dầu
Dự thảo quy định việc bình ổn giá xăng dầu thực hiện theo quy định tại Luật Giá năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2024) do Luật Giá đã quy định rõ danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, các trường hợp bình ổn và biện pháp thực hiện bình ổn giá.
3. Bổ sung điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu
- Có thời gian làm thương nhân phân phối xăng dầu trong thời hạn ít nhất 36 tháng để thương nhân có kinh nghiệm trong kinh doanh xăng dầu.
- Thực hiện việc kết nối mạng với Bộ Công Thương về dữ liệu kho chứa xăng dầu, tình hình thực hiện tổng nguồn xăng dầu… để kiểm soát cung cầu xăng dầu trên thị trường.
- Có trách nhiệm thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 100.000 m3, tấn xăng dầu trong một năm.
4. Đối với thương nhân phân phối xăng dầu
Dự thảo Nghị định bỏ quy định thương nhân phân phối xăng dầu phải dự trữ lưu thông xăng dầu 5 ngày; bỏ điều kiện về kho chứa xăng dầu, phòng thử nghiệm chất lượng xăng dầu.
Ngoài ra, để tránh việc mua bán lòng vòng, tạo nhiều tầng nấc trung gian, dự thảo Nghị định quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu của nhau, chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (là doanh nghiệp có trách nhiệm đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường).
5. Dự thảo Nghị định bỏ quy định về kinh doanh dịch vụ xăng dầu do qua rà soát, Luật Đầu tư không có quy định kinh doanh dịch vụ xăng dầu là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
6. Dự trữ lưu thông xăng dầu
Quy định hiện hành về dự trữ lưu thông chưa được rõ ràng, cụ thể dẫn tới lúng túng trong thực hiện. Dự thảo Nghị định đã quy định rõ ràng hơn về dự trữ lưu thông xăng dầu so với trước đây.
7. Cải cách hành chính
- Bỏ điều kiện về chứng chỉ nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường. Thương nhân có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh.
- Bỏ điều kiện quy định về sở hữu hoặc thuê phương tiện vận tải xăng dầu do trên thực tế, việc vận chuyển xăng dầu là công đoạn tất yếu khi doanh nghiệp đưa xăng dầu lưu thông.
- Bỏ yêu cầu doanh nghiệp cung cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận, Giấy xác nhận đủ điều kiện.
- Không quy định về việc sử dụng biển hiệu, thương hiệu. Thay vào đó, dự thảo Nghị định quy định theo hướng các doanh nghiệp tự thỏa thuận việc sử dụng biển hiệu, thương hiệu với nhau và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.