Bộ Công an vào cuộc chống gian lận mùa thi

 Vụ trưởng ĐH và sau ĐH Trần Thị Hà cho biết, thí sinh có biểu hiện nghi ngờ sẽ bị tách riêng, không cho ngồi cạnh nhau. Bộ Công an cũng đã vào cuộc, theo dõi các đường dây nghi vấn gian lận.

Bộ Công an vào cuộc chống gian lận mùa thi

 Vụ trưởng ĐH và sau ĐH Trần Thị Hà cho biết, thí sinh có biểu hiện nghi ngờ sẽ bị tách riêng, không cho ngồi cạnh nhau. Bộ Công an cũng đã vào cuộc, theo dõi các đường dây nghi vấn gian lận.

>>>Tuyển sinh 2007: Ngăn chặn các đường dây thi thuê

- Trong kỳ thi đại học năm nay, Bộ GD&ĐT phối hợp với Cơ quan an ninh văn hóa, Bộ Công an (A25) như thế nào trong việc chống gian lận?

- Một Cục phó của A25 là thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh. Bộ GD&ĐT cũng liên hệ với đơn vị này, ngay từ khâu chuẩn bị đề. Trong quá trình thi, một cán bộ A25 sẽ tham gia trực ban chỉ đạo, các đoàn kiểm tra lưu động của Bộ đều có cán bộ của Cục này tham dự. Thậm chí, A25 cũng đi kèm khi đưa đề thi đi các nơi.

Bộ cũng chuẩn bị tặng bằng khen đơn vị cho công an Hà Nội đã có thành tích phát hiện sinh viên thi kèm thi hộ tại chức vào Học viện Tài chính và ĐH Kinh tế Quốc dân. Đơn vị này cũng đang giúp Bộ giải quyết các vấn đề liên quan tới việc mất 30 bài thi cao học ở ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội và một số vụ việc khác.

- Những năm trước, các hình thức thi thuê khá phức tạp, qua tiếp xúc với A25, phía Công an đánh giá thế nào về tình hình thi năm nay?

- Đến thời điểm này, không còn tình trạng ùn tắc ở các điểm mua bán phao thi, lò luyện thi như từng xảy ra ở những năm trước. Theo đánh giá của cơ quan an ninh, công việc chuẩn bị thi rất tốt. Hiện Bộ và các đơn vị này đang ráo riết lên phương án chống thi kèm thi hộ, mang phương tiện hiện đại vào phòng thi...

- Về phía Bộ GD&ĐT, việc tập huấn cho giám thị các thủ đoạn gian lận như thế nào?

Tóc giả và điện thoại dùng để thi thuê bị thu giữ.
Tóc giả và điện thoại dùng để thi thuê bị thu giữ. 

- Năm nay, chương trình phần mềm tập huấn cho các trường cũng đã được cải tiến để chống thi hộ, thi kèm. Tất cả thí sinh có tên, ngày tháng năm sinh trùng nhau, có biểu hiện nghi ngờ thì khi đánh số báo danh đều bị xáo trộn vào các phòng thi khác nhau. Khi có kết quả thi, Trung tâm tin học sẽ kiểm tra lại kết quả của những thí sinh nghi ngờ và "lần" lại hồ sơ thi THPT để kiểm tra.

- Những năm trước, nhiều giám thị vi phạm quy chế nhưng khi về trường ít bị xử lý kỷ luật. Năm nay, việc xử lý trách nhiệm của giám thị là cán bộ sẽ như thế nào?

- Mọi năm, sau khi kết thúc thi, các cán bộ giám sát... đều về luôn. Nhưng năm nay, ví dụ như ĐH Vinh quy định rất chi tiết: sau khi thu bài và hoàn tất mọi công việc giám sát, bảo vệ, trực phòng thi mới được rời khu vực thi. Điều đó có nghĩa là trách nhiệm của từng đơn vị sẽ rất rõ ràng. Nếu khu vực nào đó xảy ra vấn đề thì không chỉ giám thị mà cả giám sát cũng phải chịu trách nhiệm.

Trong kỳ thi trước có 2 giám thị của ĐH Hồng Đức làm mất bài thi đã bị xử lý ngay tại chỗ. Nhưng sau đó, toàn bộ bộ phận liên quan như thư ký, phục vụ phòng thi đều bị kỷ luật.

- Năm nay, lần đầu tiên tổ chức thi 4 môn trắc nghiệm. Nhiều ý kiến cho rằng đề trắc nghiệm sẽ khó tuyển chọn được học sinh khá giỏi, bà đánh giá thế nào về vấn đề này?

Vụ trưởng Trần Thị Hà. Ảnh: V.A.

Vụ trưởng Trần Thị Hà. Ảnh: V.A.

- Các chuyên gia đều khẳng định đề trắc nghiệm có khả năng phân loại. Nhiều nước cũng đã làm thế và khả năng phân loại rất rõ ràng. Chất lượng đề phụ thuộc vào cách thức thực hiện của ban đề. Do vậy, Bộ đã chỉ đạo là đề phải có khả năng phân loại, đảm bảo rõ ràng, mạch lạc, chính xác. Chúng tôi tin rằng với đội ngũ chuyên gia này, đề thi năm nay sẽ hay.

- Sau kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, ở một số địa phương đã xảy tình trạng máy chấm nhầm lẫn. Trong kỳ thi ĐH tới, công việc chấm thi được tiến hành như thế nào?

- Nhầm lẫn xảy ra chủ yếu là do thí sinh không thực hiện hết các thao tác yêu cầu nên máy không nhận dạng hết. Trong thông báo chuẩn bị cho thi trắc nghiệm của Cục khảo thí, thí sinh phải điền 10 mục. Nếu thí sinh điền không hết các mục thì máy sẽ không nhận dạng.

Số báo danh trên phiếu trắc nghiệm phải có 6 số. Có trường chỉ có 3 số báo danh như 330 chẳng hạn thì rõ ràng thí sinh phải điền 3 số 0 vào trước số báo danh. Trong hướng dẫn còn ghi, thí sinh phải dùng bút mực hoặc bút bi điền vào 6 số, sau đó dùng bút chì tô đen thì máy mới nhận dạng được. Nếu chỉ điền và tô đen 3 số thì máy không thể nhận dạng. Điều này đã được thông báo tới trường và thí sinh phải nắm được. Cán bộ coi thi cũng phải có trách nhiệm phổ biến cho thí sinh.

Nếu thí sinh điền bất kỳ dấu hiệu gì vào bài thi trái với yêu cầu thì tức là đã phạm quy. Vì vậy, mong các em đừng "trót dại".

Việt Anh - Tiến Dũng

Vnexpress