Bình ổn lòng dân

ANTĐ - Ngày 28-3, giá xăng đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay là 24.580 đồng/lít. Bộ Tài chính cho biết Quỹ bình ổn giá tại các doanh nghiệp đã cạn, chính điều này đã khiến liên Bộ Tài chính - Công thương đưa ra quyết định tăng giá các mặt hàng xăng, dầu trong nước. 

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương   cho rằng, việc tăng giá lần này gây ra nhiều thắc mắc nhất là trong bối cảnh giá xăng, dầu thế giới giảm sâu và các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối trong nước đang lãi hàng tỷ đồng mỗi ngày nhờ xả Quỹ bình ổn. Quỹ bình ổn giá xăng, dầu hình thành từ tiền của người mua xăng đóng góp nhằm mục đích bình ổn giá xăng, dầu trong nước khi giá xăng, dầu trên thế giới tăng. Đây thực chất là một hình thức người dân gửi tích lũy tiền để điều tiết giá. Như vậy, rõ ràng tiền từ Quỹ bình ổn là tiền của dân, không phải của doanh nghiệp. Do đó sử dụng như thế nào, mức bao nhiêu phải làm sao hiệu quả nhất mang lại lợi ích cho dân, chứ không phải doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Theo các văn bản pháp luật liên quan đến thị trường xăng, dầu, Quỹ bình ổn giá chỉ nhằm mục đích bình ổn chứ không nhằm làm cho doanh nghiệp lời. 

Đáng ra khi điều hành Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, không những phải minh bạch cơ chế trích lập và xả quỹ, Bộ Tài chính còn phải tính toán đảm bảo tính ổn định, tránh cạn kiệt vì xả quỹ quá đà. Cho xả ào ạt kể cả khi giá xăng, dầu thế giới giảm thì quỹ này hết chứ đâu có còn để bình ổn.  Và người tiêu dùng lại vẫn chịu thiệt.

Giá xăng, dầu tăng tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh kéo theo giá vận chuyển hàng hóa tăng, chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng, từ đó giá hàng hóa tiêu dùng cũng tăng. Đây là điều không muốn nhưng vẫn phải làm, vì nếu không tăng thì sẽ lỗ và không thể tồn tại được. Đó là chưa kể đến tình trạng thường diễn ra là kiểu tăng giá “tát nước theo mưa” vô tội vạ của tiểu thương trong nước kéo theo nhiều mặt hàng phải tăng giá, làm loạn thị trường. 

Trong khi đó, giữa bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm như hiện tại, phần lớn người dân bị đè gánh nặng chi tiêu do thu nhập giảm sút. Nguy cơ bão giá sắp tới không thể tránh khỏi, cuộc sống người dân lao động vốn đang rất khó khăn, bây giờ sẽ càng khó khăn hơn.  Việc tăng giá xăng, dầu sẽ dội ngược lại nền kinh tế khiến cho sức mua thấp, tồn kho tăng cao, nợ xấu khó giải quyết, tín dụng khựng lại..., doanh nghiệp và người dân thêm khốn khó.

Việc điều chỉnh một số mặt hàng được trợ giá tiến dần đến giá thị trường là cần thiết, nhưng qua lý do tăng giá xăng lần này, các cơ quan chức năng cần có những lý giải cụ thể và minh bạch hơn: Quỹ bình ổn giá đang còn bao nhiêu? Mức lỗ/ lãi hiện tại của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu? Vì sao biên độ tăng giá được nới rộng trong lần điều chỉnh này? Mức tác động đến chỉ số giá tiêu dùng ra sao? Qua đó sẽ tạo được sự đồng thuận giữa cơ quan điều hành và người tiêu dùng trong nước. 

Trong khi nhân dân đang hy vọng, được giảm giá xăng theo chiều hướng giảm của giá thế giới thì cơ quan quan lý lại  điều chỉnh tăng giá xăng cho thấy việc “bình ổn lòng dân” cần được xem trọng hơn.