- "Mong lực lượng Cảnh sát khu vực tiếp tục sâu sát địa bàn"
- Cảnh giác với thủ đoạn giả làm người nhà để nhận hàng gửi xe khách
Trước tình trạng này, Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch với nhiều biện pháp cụ thể, tuyên truyền phòng ngừa lừa đảo, nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác của người dân.
Cái bẫy tiền tỷ trong những cuộc điện thoại lạ
Khoảng 10h sáng 8-10, Công an phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội nhận được tin báo của bà N.V (80 tuổi, trú tại phường Thanh Xuân Bắc) về việc có đối tượng tự xưng Công an, gọi điện thoại yêu cầu vợ chồng bà chuyển 250 triệu đồng.... Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, cán bộ Công an phường Thanh Xuân Bắc đã khẩn trương có mặt tại nhà bà V để xác minh vụ việc.
Công an phường Thanh Xuân Bắc kịp thời ngăn chặn một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản |
Bà V cho biết, vào sáng cùng ngày có nhận được một cuộc gọi đến điện thoại cố định của gia đình từ người tự giới thiệu là cán bộ Công an quận... Người này nói bà có liên quan tới một vụ án đang được điều tra, yêu cầu bà chuẩn bị 250 triệu đồng, buổi chiều sẽ có người đến làm việc và nhận tiền, nếu không sẽ bị bắt giữ.
Vợ chồng bà V thấy khả nghi vì giống thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo đã được Công an phường Thanh Xuân Bắc cảnh báo đến người dân trước đây, nên đã yêu cầu đối tượng làm việc trực tiếp, không nói chuyện qua điện thoại. Đối tượng này hẹn 14h chiều sẽ có người đến làm việc với gia đình bà.
Lúc này, bà V nhanh chóng thông báo sự việc cho Công an phường Thanh Xuân Bắc nhờ hỗ trợ. Sau khi nắm tình hình, Công an phường Thanh Xuân Bắc đã giải thích rõ cho bà V về thủ đoạn lừa đảo này, cũng như phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông gây án và nhắc nhở bà V không nghe, không làm theo những yêu cầu của đối tượng.
Không may mắn như vợ chồng bà V, bà H (ở quận Thanh Xuân) đã bị lừa đảo chiếm đoạt gần 7 tỷ đồng sau khi nghe các cuộc điện thoại lạ. Theo tài liệu điều tra, cuối tháng 4-2020, bà H nhận được nhiều cuộc gọi từ số thuê bao lạ. Những người này tự giới thiệu là nhân viên bưu chính tại TP. HCM, thông báo việc bà H đang sử dụng một tài khoản tại ngân hàng S.G, đang nợ 36 triệu đồng và yêu cầu bà sau 2 tiếng đồng hồ phải có mặt để giải quyết.
Bà H khẳng định không có tài khoản ngân hàng và khoản nợ trên thì cuộc gọi được chuyển đến hai người đàn ông, tự xưng là cán bộ điều tra tội phạm của Công an TP. HCM, được giao nhiệm vụ "điều tra tội phạm ma túy và rửa tiền tại các ngân hàng".
Kẻ lạ mặt đe dọa và yêu cầu bà H cung cấp thông tin cá nhân, số tiền hiện có để phục vụ điều tra.
Do hoảng sợ và tin là thật, bà H đã đến phòng giao dịch ngân hàng để mở một tài khoản và làm thủ tục rút toàn bộ số tiền tiết kiệm, chuyển sang tài khoản vừa mở.
Những biển thông báo phòng ngừa lừa đảo được Công an quận Thanh Xuân đặt tại điểm giao dịch của ngân hàng |
Sau đó, bà H đã gửi cho các đối tượng toàn bộ thông tin về tài khoản vừa mở. Đến cuối tháng 8-2020, những đối tượng nêu trên tiếp tục điện thoại cho bà H đe dọa và yêu cầu phải nộp thêm một số tiền để kết thúc vụ việc. Chúng đe dọa không được tiết lộ cho ai khác biết, nếu không sẽ gặp nguy hiểm. Hoảng sợ vì những lời đe dọa, bà H đã đi vay người thân số tiền như các đối tượng yêu cầu, rồi mang đến ngân hàng để nộp vào tài khoản đã mở trước đó.
Sau khi nộp tiền và quay về nhà, bà H kể lại sự việc cho người nhà và được khuyên quay lại ngân hàng để kiểm tra thì thấy số tiền gần 7 tỷ đồng bà gửi vào tài khoản đã bị các đối tượng rút hết. Biết bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bà H đến Công an quận Thanh Xuân trình báo.
Đây chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp các đối tượng sử dụng điện thoại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Thủ đoạn không hề mới, đã được cơ quan công an cảnh báo nhiều lần, tuy nhiên do tâm lý nên nhiều người vẫn sập bẫy.
“Điểm trúng huyệt”, chặn lừa đảo
Theo Thượng tá Đinh Tuấn Thành, Trưởng Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội:” Trước phương thức và thủ đoạn của các đối tượng, Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo Công an các quận, huyện, thị xã phối hợp với các phòng chức năng của CATP khuyến cáo người dân cần cảnh giác, không chuyển tiền và cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Công an quận Thanh Xuân đã chủ động xây dựng các kế hoạch tuyên truyền, “điểm trúng huyệt” chặn lừa đảo”.
Lực lượng Công an phường tổ chức dán thông báo, tuyên truyền cho người dân tại các khu dân cư |
Trưởng CAQ Thanh Xuân nêu rõ, qua đánh giá các vụ lừa đảo qua điện thoại giả danh cơ quan chức năng yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho thấy, “con mồi” các đối tượng xấu nhắm tới hầu hết là người cao tuổi. Chúng thường hay gọi vào số điện thoại cố định của gia đình vào các giờ hành chính, đây là thời điểm “con mồi” có thể chỉ ở nhà một mình. Bằng hàng loạt các lời lẽ đe dọa dồn dập khiến nạn nhân sợ hãi, hoảng loạn, từ đó các đối tượng sẽ yêu cầu bị hại chuyển tiền để kết thúc nỗi sợ.
Không dừng lại ở đó, trong các vụ lừa đảo để thành công, các đối tượng hướng dẫn bị hại ra ngân hàng chuyển tiền vào tài khoản cho chúng. Như vậy, để phòng ngừa hiệu quả tội phạm lừa đảo qua điện thoại, cần chặn đứng, đập tan kế hoạch từ hai điểm mấu chốt là ngay từ khi người dân nghe những cuộc điện thoại lạ và khi ra ngân hàng chuyển tiền.
Xác định được mục tiêu đó, Công an quận Thanh Xuân đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ và Công an 11 phường trên địa bàn triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền phòng ngừa. Theo đó, Cảnh sát khu vực của từng phường “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền nhắc nhở người dân về thủ đoạn của tội phạm. Công an 11 phường và Đội Cảnh sát hình sự phối hợp dán gần 1.000 thông báo thủ đoạn tội phạm lừa đảo, có số điện thoại liên hệ Đội Cảnh sát hình sự và Công an phường tại các bản tin, ngã tư, nơi tập trung đông người của 210 tổ dân phố, 103 sảnh tòa nhà chung cư cao tầng.
Trên địa bàn quận Thanh Xuân, toàn bộ các nhân viên ngân hàng đã được tuyên truyền kịp thời phát hiện các biểu hiện bất thường để ngăn chặn lừa đảo |
Song song với đó, tại ngân hàng những thông báo đặc biệt cũng được thiết kế đặt tại khu vực quầy giao dịch. “Những bản thông báo này có hai mặt, mặt trước hướng ra phía khu vực chỗ ngồi của khách hàng có nội dung về phòng ngừa thủ đoạn lừa đảo, và các lưu ý người dân cần làm như không thực hiện chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân và báo ngay cho cơ quan công an. Mặt sau của thông báo này là nội dung đối với nhân viên ngân hàng “khi thấy khách hàng đến nộp hoặc chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng mà có biểu hiện lo lắng, vội vã, nghe điện thoại liên tục thì cần hỏi rõ: khách hàng chuyển tiền vì mục đích gì? Đề nghị khách đọc cảnh báo trước khi chuyển tiền. Khi phát hiện nghi vấn cần báo ngay cho cơ quan công an. Trong năm 2020, Công an quận Thanh Xuân đã đặt 115 biển cảnh báo tại các chi nhánh ngân hàng, quỹ tiết kiệm trên toàn địa bàn quận”, Trung tá Đào Minh Ngọc, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Thanh Xuân chia sẻ.
Bên cạnh những việc làm cụ thể này, Công an quận Thanh Xuân đã phối hợp với chính quyền cơ sở và các ngân hàng tổ chức các buổi tuyên truyền phòng ngừa tại các khu dân cư, chung cư cho người dân và nhân viên ngân hàng để nâng cao cảnh giác.
Một điểm đặc biệt tại quận Thanh Xuân đó là các đơn vị đang tiến hành dán các "giấy nhớ" phòng ngừa lừa đảo tại khu vực điện thoại bàn của các gia đình trên địa bàn. Theo đó, những mảnh thông báo nhỏ màu đỏ được thiết kế, in chữ nổi bật được các CSKV dán trước điện thoại nhà dân. Đây là một trong những biện pháp nhỏ nhưng vô cùng hữu ích. Khi người dân nghe các cuộc điện thoại lạ có thể ngay lập tức nhìn thấy "nhắc nhớ" và chặn âm mưu lừa đảo.
Với những biện pháp đã và đang triển khai trên địa bàn, Chỉ huy và CBCS Công an quận Thanh Xuân mong muốn người dân luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, để tránh trở thành bị hại của các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.