Biển đang đe dọa đất liền

(ANTĐ) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng có những tác động rõ nét tới đời sống, thiên tai, bão lũ, hạn hán… gây ra những hậu quả nặng nề về người, tài sản.  Đặc biệt, nước biển dâng đã và đang đe dọa trực tiếp tới các tỉnh, thành ven biển như Hải Phòng, Nam Định…

Biển đang đe dọa đất liền

(ANTĐ) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng có những tác động rõ nét tới đời sống, thiên tai, bão lũ, hạn hán… gây ra những hậu quả nặng nề về người, tài sản.  Đặc biệt, nước biển dâng đã và đang đe dọa trực tiếp tới các tỉnh, thành ven biển như Hải Phòng, Nam Định…

Nguy cơ  nhãn tiền

Biển đang ngày một ăn sâu vào đất liền

Tại miền Bắc, TP đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của nước biển dâng là Hải Phòng. Bằng chứng cho thấy, mỗi trận mưa lớn đổ xuống, trên địa bàn Hải Phòng lại xuất hiện hàng trăm điểm úng ngập với thời gian ngập kéo dài hơn. Theo lý giải của cơ quan chuyên môn Hải Phòng, nguyên nhân không phải do hệ thống cống thoát nước trên địa bàn năng lực yếu, mà do nước biển dâng, nhất là vào những dịp triều cường, nước trong nội thành không thể thoát ra sông, biển được.

Ông Vũ Trọng Quang, Giám đốc Công ty Thoát nước Hải Phòng cho biết, hiện nay việc thoát nước cho toàn khu vực TP Hải Phòng do một mình công ty đảm nhiệm. Dù Dự án 1B thoát nước đã hoàn thành song chỉ có thể đảm bảo cho các trận mưa cường độ dưới 120mm. Đặc biệt, vẫn còn những điểm ngập lụt nặng do mức thuỷ triều cao hơn cốt nền, như đường Bến Bính, Thất Khê, Nguyễn Bình, đường Tô Hiệu, ngã ba Cấm, đường Lê Lợi…

Số liệu công bố từ Viện Khoa học khí tượng thuỷ văn và môi trường cho thấy, trong vòng 50 năm qua (1960 - 2009), mực nước biển đo được tại Trạm Khí tượng thuỷ văn Hòn Dáu (Hải Phòng) đã dâng lên khoảng 20cm và riêng trong thập kỷ qua đã dâng từ 2,5-3cm. Hải Phòng và TP.HCM là 2 trong 10 khu vực của thế giới đang chịu ảnh hưởng mạnh của nước biển dâng, sẽ ngập lụt nặng khi nước biển dâng lên 1m.

Còn tại tỉnh Nam Định, ảnh hưởng của nước biển dâng cũng thể hiện rõ rệt ở nhiều vùng biển. Trong đó, ở 2 xã Hải Triều và Hải Chính (huyện Hải Hậu) tới nay đã ba lần người dân phải di chuyển vì biển sạt lở. Còn tại 2 bãi biển Thịnh Long (huyện Hải Hậu) và Quất Lâm (huyện Giao Thủy) liên tục những năm gần đây đều xảy ra tình trạng biển lở, nước biển lấn sâu vào khu du lịch.

Cần giải pháp cấp bách

TS. Vũ Thanh Ca thuộc Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo, người vừa thực hiện đề án đánh giá ảnh hưởng của nước biển dâng tới sản xuất nông nghiệp của xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng-Hải Phòng) cho rằng, phải khẩn trương triển khai các dự án trồng rừng ngập mặn, gia cố lại hệ thống đê, kịp thời phát hiện sự cố về đê biển. Ông Nguyễn Bá Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều Hải Phòng cũng cho rằng, trồng cây chắn sóng là phương án rẻ nhất mà hiệu quả mang lại cao để chống BĐKH và nước biển dâng, bên cạnh việc đầu tư xây dựng hệ thống đê biển chúng ta đang làm hiện nay.

Liên quan mục tiêu đầu tư kiên cố hệ thống đê biển cả nước, tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng với Bộ NN&PTNT vừa qua, Phó Thủ tướng thường trực đã yêu cầu Bộ này rà soát lại hệ thống đê biển hiện nay có tính đến yếu tố BĐKH, nước biển dâng để điều chỉnh cho phù hợp. Bởi theo dự báo, đến năm 2100, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam tăng lên 3 độ C và nước biển dâng 1m. Do đó, ngoài việc tiếp tục củng cố đê biển, các tỉnh, thành cần triển khai trồng cây chắn sóng, rừng ngập mặn ven biển.

Hải Dương