Biển Bắc có thể biến thành nhà máy điện khổng lồ

ANTD.VN - Một nhà máy điện khổng lồ tận dụng năng lượng gió nhiều khả năng sẽ xuất hiện trên khu vực Biển Bắc.

Châu Âu đang nuôi tham vọng xây dựng một nhà máy điện khổng lồ trên khu vực Biển Bắc nhằm tận dụng ưu thế về sức gió, đặc biệt khi năng lượng tái tạo trở thành trọng tâm phát triển ngành công nghiệp xanh.

Kể từ khi ra đời đến nay, nhân loại đã không ngừng phát triển. Công nghệ hiện đại đã đạt đến tầm cao chưa từng có, trong tương lai gần nhiều khả năng cho phép con người thực hiện các hoạt động sống của mình mà không phá hủy hành tinh.

Trong trường hợp này, chúng ta đang nói về các nguồn năng lượng tái tạo, vốn đã được phương Tây nhắc đến từ lâu, nhưng vẫn chưa thể triển khai kế hoạch của họ một cách thiết thực.

Tuy nhiên gần đây Vương quốc Anh, Đan Mạch, Đức, Na Uy, Bỉ và Hà Lan đã thực hiện những bước đi đầu tiên theo hướng này, và Biển Bắc - nơi thu hút sự tập trung của họ, có thể trở thành một phần quan trọng của kỷ nguyên “năng lượng xanh”.

Trong phần lớn lịch sử, Biển Bắc là một chiến trường. Ngày nay nó có giá trị vì trữ lượng hydrocarbon và nguồn cá dồi dào. Ngoài ra nhờ có sự hiện diện của các cảng lớn, vùng nước này đã trở thành một trong những nơi sinh lời nhiều nhất trên thế giới.

Mặc dù vậy, tiềm năng của phần đại dương này trên thế giới vẫn chưa cạn kiệt và trong tương lai, nó sẵn sàng cung cấp cho các nước xung quanh nguồn tài nguyên mới - năng lượng tái tạo.

Theo số liệu đo đạc thực tế, tốc độ gió trung bình ở độ cao 100 mét tại nhiều nơi trên Biển Bắc vượt quá 10 m/s, khiến khu vực nói trên trở thành địa điểm lý tưởng lắp đặt các máy phát điện gió.

Điều đáng chú ý nữa là các quốc gia nêu trên đều đang tích cực sử dụng nguồn năng lượng từ gió. Tuy nhiên kế hoạch quy mô lớn mà họ phát triển có thể thay đổi nền kinh tế của khu vực mãi mãi.

Theo khái niệm mới, việc xây dựng các “cánh đồng” turbine gió ở Biển Bắc sẽ cung cấp sản lượng điện năng vào khoảng 120 GW vào năm 2030 và lên tới 200 GW vào năm 2050.

Ngoài ra bên cạnh máy phát điện gió, nhiều quốc gia còn có kế hoạch sử dụng cái gọi là "trang trại sóng", đến năm 2050 sẽ có thể biến năng lượng sóng hỗn loạn trên các đại dương thành 40 GW điện.

Cuối cùng, chính phủ nhiều nước dự kiến ​​lắp đặt các tấm pin mặt trời nổi, năng lượng từ đó sẽ được sử dụng để trồng tảo cần thiết cho chăn nuôi gia súc, dược phẩm, mỹ phẩm và một số lĩnh vực khác.

Kết quả là Biển Bắc có thể biến thành một nhà máy điện khổng lồ. Tất cả trông thực sự ấn tượng và đầy hứa hẹn. Nhưng kỳ lạ thay, hiện tại vấn đề chính của việc thực hiện dự án không phải là khó khăn về mặt kỹ thuật, mà là sự chậm trễ từ chính sách.

Có vẻ như một số nước, đặc biệt là Na Uy đang cố gắng tận dụng lợi thế về nguồn năng lượng hóa thạch của mình đó là dầu khí, họ cố gắng bán chúng nhiều nhất có thể cho các khách hàng trên thế giới.

Bên cạnh đó, chi phí cho những "cánh đồng gió" hiện ở mức rất cao, đi kèm với sự phức tạp trong công tác đảm bảo kỹ thuật, điều này gây ra sự ngần ngại đối với một số chính trị gia.