Bị VCPMC kiện chưa đóng tiền tác quyền, VietArt kháng cáo với lý do "phí cao bất hợp lý"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vụ kiện giữa nguyên đơn là Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và bị đơn là Công ty CP truyền thông VietArt.

Theo đó, VCPMC làm đơn kiện Công ty VietArt (viết tắt là VietArt) ra tòa với cáo buộc đơn vị này không nộp tiền tác quyền chương trình "Đêm Việt Nam 7: Chuyện của mùa đông" diễn ra vào ngày 17-1-2019. Cụ thể, phía VCPMC cho rằng trong chương trình này, VietArt đã sử dụng 20 tác phẩm âm nhạc của các chủ sở hữu quyền tác giả đã ủy quyền cho VCPMC quản lý, tuy nhiên phía VietArt đã không thực hiện nghĩa vụ xin phép, trả tiền nhuận bút, thù lao cho các chủ sở hữu quyền tác giả theo đúng quy định tại Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Chương trình "Đêm Việt Nam 7: Chuyện của mùa đông" do VietArt tỏ chức vào năm 2019 bị VCPCM cho là chưa hoàn tất nghĩa vụ tác quyền âm nhạc nên khởi kiện VietArt ra tòa.

Chương trình "Đêm Việt Nam 7: Chuyện của mùa đông" do VietArt tỏ chức vào năm 2019 bị VCPCM cho là chưa hoàn tất nghĩa vụ tác quyền âm nhạc nên khởi kiện VietArt ra tòa.

Ngày 23-8-2022, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ kiện trên và đi đến kết luận cuối cùng, trong đó chấp nhận yêu cầu khởi kiện của VCPMC đối với VietArt; yêu cầu VietArt đăng lời xin lỗi trên báo Trung ương trong 3 số liên tiếp với nội dung thừa nhận hành vi xâm phạm quyền tác giả như cáo buộc từ VCPCM; đồng thời buộc VietArt phải bồi thường thiệt hại cho các chủ sở hữu quyền tác giả với tổng số tiền 210.819.804 đồng.

Số tiền bồi thường thiệt hại này được diễn giải gồm: bồi thường mức giảm sút thu nhập là khoản tiền nhuận bút mà đáng ra các chủ sở hữu quyền tác giả được nhận nếu cho phép sử dụng tác phẩm tại chương trình với tổng giá trị 205.769.804 đồng; chi phí lập vi bằng 2.650.000 đồng; chi phí mua vé dự chương trình để lập vi bằng 2.400.000 đồng.

Trước kết luận trên, phía VietArt đã làm thủ tục kháng cáo toàn bộ phán quyết của HĐXX phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ kiện diễn ra vào ngày 23-8-2022.

Quang cảnh phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ kiện do VCPMC là nguyên đơn và VietArt là bị đơn

Quang cảnh phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ kiện do VCPMC là nguyên đơn và VietArt là bị đơn

Sau gần 1 năm kháng cáo, VietArt và VCPMC lại có cuộc đối đầu với nhau trong phiên tòa phúc thẩm do TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử vào ngày 3-8-2023 tại Hà Nội. Đại diện pháp luật của phía VCPMC là nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc VCPCM không có mặt tại phiên tòa, ủy quyền cho 2 đại diện khác tham dự.

Tại phiên phúc thẩm, đại diện HĐXX khuyên 2 bên nguyên đơn (VCPMC) và bị đơn (VietArt) nên chọn phương án hòa giải để cân bằng mối quan hệ sau này khi còn phải làm việc với nhau trong nhiều hoạt động tổ chức biểu diễn khác. Tuy nhiên cả VCPMC và VietArt không chấp nhận phương án hòa giải.

Nêu quan điểm về lý do kháng cáo, đại diện VietArt cho rằng VCPMC đưa ra công thức tính tiền tác quyền (5% giá vé x 70% số ghế ngồi) không hợp lý bởi không phải chương trình nào cũng bán được số vé như kỳ vọng. Cụ thể, phía VietArt cho biết, nhiều chương trình mà đơn vị này tổ chức chưa bán được tới 70% số ghế, chưa kể nhiều vé mang đi tặng và ngoại giao. Cũng theo VietArt, trong trường hợp có bán được trên 70% số ghế thì phí tác quyền âm nhạc phải đóng nếu tính theo công thức trên thì quá cao so với doanh thu.

"Để tổ chức một chương trình nghệ thuật có chất lượng phục vụ khán giả, doanh nghiệp chịu rất nhiều chi phí khi tổ chức, phí bản quyền nếu thu quá cao dẫn đến cho dù bán được vé thì đơn vị cũng vẫn lỗ." - đại diện VietArt bày tỏ, đồng thời nói thêm đơn vị này kháng cáo còn vì không đồng tình với cách tính theo kiểu "cào bằng" của VCPMC đối với tất cả các nhạc sĩ.

Đại diện VietArt tại phiên phúc thẩm

Đại diện VietArt tại phiên phúc thẩm

Theo bản án sơ thẩm, mức phí tác quyền mà VCPMC yêu cầu VietArt phải nộp là hơn 10 triệu đồng/tác phẩm. Trong khi VietArt từng ký hợp đồng với VCPMC thống nhất về việc đóng mức phí tác quyền 440.000 đồng/tác phẩm, thể hiện qua 2 bản hợp đồng 2004/2017/HĐQTGAN/PR ký ngày 20-4-2017 và hợp đồng 33/2018/HĐQTGAN/PR mà hai bên đã ký kết. Do vậy, VietArt chỉ đồng ý nộp tiền tác quyền 440.000 đồng/tác phẩm theo đúng hợp đồng này.

Vietart cũng đưa ra hợp đồng 2004/2017/HĐQTGAN/PR ngày 20.4.2017 và hợp đồng 33/2018/ HĐQTGAN/PR giữa VCPMC và VietArt với mức phí tác quyền là 440.000 đồng/tác phẩm (đã bao gồm VAT) nên bị đơn chỉ đồng ý nộp phí tác quyền là 440.000 đồng/bài hát bao gồm VAT.

Liên quan đến vấn đề này, phía VietArt cho rằng, VCPMC chỉ là đơn vị trung gian giữa "người bán" (chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền sở hữu tác phẩm - PV) và "người mua" (bên sử dụng tác phẩm có yếu tố thương mại - PV). Do đó, phía VietArt với tư cách "người mua" thắc mắc về việc khi ban hành biểu phí thu tiền tác quyền, phía VCPMC có tham gia ý kiến của cả bên có quyền sở hữu tác phẩm lẫn bên có nhu cầu sử dụng hay không, có được cấp có thẩm quyền nào phê duyệt biểu phí này không.

Trước thắc mắc này từ phía VietArt, đại diện VCPMC khẳng định, tại thời điểm ban hành biểu phí không có quy định pháp luật nào về việc biểu phí đó phải có sự chấp thuậncủa cơ quan chức năng. Phía VCPMC nói thêm, biểu phí mà đơn vị mình ban hành cũng không phải là văn bản quy phạm pháp luật, không áp dụng cứng nhắc, được xây dựng căn cứ trên tình hình thực tế và các phản hồi của các bên liên quan, sau khi ban hành đã đăng tải công khai trên website của VCPMC.

"Chúng tôi luôn sẵn sàng và ủng hộ nộp phí bản quyền cho các tác giả của các tác phẩm được sử dụng trong trong các chương trình nghệ thuật, tuy nhiên, ở các chương trình nghệ thuật khác, khi công ty có làm việc với các nhạc sỹ thì mức phí thấp hơn nhiều so với biểu phí mà VCPMC đưa ra, thậm chí chưa đến 1/3 biểu phí này, khoảng 3 triệu/tác phẩm." - đại diện VietArt phản bác tại Tòa, dẫn chứng là khi đơn vị này làm việc trực tiếp với nhạc sĩ Bảo Chấn trong chương trình "Thanh Tùng - Bảo Chấn: Chuyện của mùa thu" (2022), đã ký tác quyền trực tiếp với nhạc sĩ Bảo Chấn với mức phí 3 triệu đồng/bài được sử dụng.

Về phía HĐXX, sau phần nghị án đưa ra quyết định hoãn phiên toàn phúc thẩm, đề nghị cả hai bên bổ sung thêm tài liệu, chứng cứ để có thể xem xét tiếp vụ việc. Cụ thể, yêu cầu VCPMC cung cấp thêm tài liệu liên quan đến việc ủy quyền cùng một số tài liệu hợp đồng giữa VCPMC và các đơn vị tổ chức sự kiện; yêu cầu VietArt cung cấp thêm một số chứng cứ về việc ký tác quyền với các tác giả trong giai đoạn xảy ra tranh chấp với bên VCPMC để xem xét toàn bộ vụ việc.

Chia sẻ sau phiên tòa phúc thẩm, bà Đoàn Thúy Phương - Tổng giám đốc VietArt cho biết, đơn vị này quyết định kháng cáo và không hòa giải với mong muốn cuối cùng là sau này VCPMC sẽ một mức biểu phí công khai, quy định rõ rànng, phù hợp trong vấn đề tác quyền.