- Kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo 1,2 tỷ đồng qua điện thoại
- 'Sập bẫy' lừa đảo qua mạng, người Việt thiệt hại 374 triệu USD
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều tài khoản kết bạn, làm quen với các nạn nhân từng bị lừa đảo; đặt vấn đề kết hợp với "Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao" để hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng. Thậm chí, chủ những tài khoản này hứa hẹn với người từng bị lừa là sẽ giúp thực hiện thu hồi tiền bị mất.
Điển hình như vừa qua, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội nhận được trình báo của chị T.H về việc bị lừa đảo số tiền 100 triệu đồng với thủ đoạn nạn nhân thao tác nhập liệu và thu hồi số lợi nhuận bằng 30% số vốn ban đầu.
Cảnh giác với những cuộc điện thoại mạo danh cơ quan tư pháp |
Sau khi bị lừa số tiền trên, chị T.H được một tài khoản mạng xã hội Facebook chủ động làm quen và giới thiệu có người quen kết hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an hỗ trợ giúp đỡ các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng.
Như vớ được cọc, chị T.H vội vàng nhờ ngay vị “cán bộ” Cục An ninh mạng giúp lấy lại tiền cho mình. Sau một hồi trao đổi qua lại, chị H nhận được thông báo là không thể lấy lại được, và được giới thiệu tiếp tục liên hệ với cán bộ công nghệ thông tin của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao hỗ trợ thu hồi vồn bằng cách khác.
Chị H. được các đối tượng hướng dẫn truy cập vào đường link của một trang web chơi cờ bạc online, và được cung cấp 2 khung giờ, đảm bảo đặt lệnh nào cũng đều sẽ thu được lãi. Sau một vài lần thực hiện thành công, chị H. quyết định nạp số tiền lớn; song hệ thống vẫn yêu cầu nạp số tiền lớn hơn để rút được tiền...Cứ như vậy, trong chưa đầy 13 ngày, chị T.H đã bị mất hơn 400 triệu đồng.
Khi chuyển tiền, người dân cần xác định chính xác đối tượng mình chuyển đến là ai |
Theo Cục An toàn thông tin Bộ Thông tin và truyền thông, các đối tượng sử dụng hành vi lừa đảo này thường tìm hiểu và dễ dàng xác định những cá nhân đang bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng.
Sau đó, bọn chúng xây dựng một nhân vật ảo, thiết lập liên lạc với bị hại dưới “mác” của một cá nhân, tổ chức hoặc nhân viên đáng tin cậy, đặc biệt là cơ quan an ninh mạng của Bộ Công an. Quá trình tiếp xúc, các đối tượng sử dụng ngôn ngữ khéo léo thuyết phục, và các chiến thuật để xây dựng lòng tin của bị hại; đồng thời quả quyết rằng họ có khả năng khôi phục lại số tiền đã mất.
Đáng chú ý các đối tượng thường nhấn mạnh khả năng chuyên môn, mối quan hệ hoặc “phương pháp độc quyền” mà chỉ bọn chúng mới có. Trong cơn bĩ cực vì mất một khoản tiền lớn, các bị hại bị những lời mật ngọt dụ dỗ và dễ dàng tin theo. Lúc này, những kẻ lừa đảo yêu cầu thanh toán phí xử lý, yêu cầu pháp lý hoặc bất kỳ lý do hợp lý nào khác.
Chỉ huy Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dân, dù đã bị mất tiền thì cũng phải bình tĩnh trước những cuộc điện thoại, lời mời chào trên Facebook thông tin rằng có thể lấy lại được tiền. Các đối tượng lừa đảo khi đã nhận được tiền vào tài khoản thì chỉ mất có 30 giây để chuyển sang các tài khoản khác, việc truy xét dòng tiền là hết sức khó khăn nên tiền đã mất không thể có cách nào lấy lại được.
Nếu bị rơi vào trường hợp này, hãy ngay lập tức trình báo với cơ quan công an hoặc ngân hàng, kịp thời tiến hành điều tra và cung cấp sự hỗ trợ. Luôn luôn giữ cảnh giác và không đồng ý thực hiện bất kỳ giao dịch tài chính nào mà không có đầy đủ thông tin và xác minh. Bảo vệ thông tin tài chính cá nhân của bạn và tìm hiểu thêm về các hình thức lừa đảo phổ biến để tránh trở thành nạn nhân.
“Cơ quan công an một lần nữa khuyến cáo, công an không làm việc qua điện thoại, qua Facebook và tiền đã chuyển vào tài khoản các đối tượng lừa đảo thì không có cách nào lấy lại được” – chỉ huy Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CATP cảnh báo.