Bị cấm thăm con sau ly hôn

ANTD.VN - Hỏi: Vợ chồng tôi đã kết hôn được 8 năm và có 2 con. Do chồng tôi thường xuyên cờ bạc, rượu chè, nợ nần chồng chất lại hay đánh đập, ngược đãi vợ con nên tôi đã làm đơn ly hôn và anh ta cũng thuận tình ký vào đơn. Khi ra Tòa, Tòa quyết định mỗi người nuôi 1 đứa con. Do thu nhập bấp bênh nên tôi đành làm theo dù muốn nuôi cả 2 cháu. Tuy nhiên, khi cuối mỗi tuần tôi đến thăm cháu lớn 7 tuổi ở với bố thì anh ta thường xuyên cấm cản, gây khó dễ. Tôi được kể lại là anh ta còn thường xuyên đánh cháu. Tôi phải làm gì để bảo vệ con mình, trong khi không có điều kiện đón cháu về ở cùng? Nguyễn Lan Phương (Phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội)

Luật sư Lê Hồng Vân

Trả lời: Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định: Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Do vậy, việc người cha đứa trẻ ngăn cản người mẹ chăm sóc con chung là vi phạm quy định của pháp luật. Nếu người cha có hành vi ngược đãi con là hành vi vi phạm Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Vì vậy, trong trường hợp này người mẹ nên báo với chính quyền địa phương nơi đứa trẻ cư trú (UBND hoặc Công an phường) đề nghị can thiệp. Trong trường hợp người cha vẫn tiếp tục có hành vi bạo hành và cản trở người mẹ thăm nuôi chăm sóc con chung thì người mẹ có thể làm đơn đến TAND nơi người cha đứa trẻ đang cư trú để yêu cầu toà án thay đổi việc nuôi con từ người cha sang người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng đứa trẻ theo quy định tại Luật Hôn nhân gia đình. Tuy vậy việc thay đổi này cần phải tham khảo ý kiến đứa trẻ vì cháu đã 7 tuổi.

Luật sư Lê Hồng Vân - Công ty TNHH Luật Labor Law

Địa chỉ: Phòng 702 tòa nhà Viện công nghệ mới, số 8 Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội)