Bệnh thành tích và tư tưởng trọng bằng cấp trong ngành giáo dục vẫn còn nặng nề

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong thẳng thắn chỉ ra, bệnh thành tích trong giáo dục - đào tạo vẫn còn nặng nề khi nhiều địa phương chỉ đề cập đến các học sinh đạt giải...
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận hội nghị

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận hội nghị

Sáng 8-8, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” trên địa bàn TP Hà Nội.

Dự và phát biểu tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, dưới sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, ngành giáo dục đã đạt được những kết quả tích cực.

Tuy vậy, theo ông Phúc, so với yêu cầu của nguồn lực chất lượng cao, kết quả đạt được thời gian qua vẫn còn khiêm tốn. Việc đổi mới đang đi vào chiều sâu, đồng nghĩa với nhiều thách thức được đặt ra.

Với riêng Thủ đô Hà Nội, trong 10 năm qua, số lượng học sinh tăng cao đặt ra áp lực rất lớn cho ngành giáo dục về trường lớp, đội ngũ nhân lực. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị TP Hà Nội quan tâm tới các kiến nghị đề xuất cho giai đoạn mới, đặc biệt là những kiến nghị, cơ chế, đặc thù cho Thủ đô để đưa nền giáo dục không chỉ đi đầu cả nước mà còn vươn ra các nước trên thế giới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong thông tin, Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác giáo dục – đào tạo. Trong 10 năm qua, thành phố đã đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này và tiếp tục đầu tư tương tự như vậy trong 10 năm tới.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc

Đồng thời, thành phố cũng quan tâm đến các cấp học, ngành học, kể cả đào tạo nghề. Nhờ vậy, Hà Nội luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ học sinh giỏi, chất lượng giáo dục đào tạo các cấp.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục Thủ đô vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chỉ ra, công tác phân luồng học sinh học nghề chưa tốt, vẫn còn tư tưởng trọng bằng cấp. Việc xã hội hóa để thu hút nguồn lực bên ngoài đầu tư cho giáo dục đào tạo, dạy nghề và giáo dục đại học còn khiêm tốn.

Đặc biệt, bệnh thành tích trong giáo dục - đào tạo vẫn còn nặng nề khi nhiều địa phương chỉ đề cập đến các học sinh đạt giải nhưng lại không chú trọng đến chất lượng giáo dục đại trà. Phó Bí thư Thành ủy đề nghị các đơn vị trên địa bàn thành phố cần chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, để qua đó các huyện “xích gần hơn” với các quận về công tác này.

Riêng với Sở GD&ĐT Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu cần tham mưu cho thành phố rà soát, cập nhật quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố.

Đối với các đơn vị liên quan cần tiếp tục quan tâm đến văn hóa học đường; quan tâm đến lĩnh vực thể thao học đường; chú trọng giáo dục sáng tạo trong hệ thống giáo dục của Thủ đô.

Phó Bí thư Thành ủy cũng lưu ý, phải chú trọng công tác đào tạo cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, cụ thể là xây dựng cơ sở dữ liệu của đội ngũ cán bộ, giáo viên để phục vụ luân chuyển, đào tạo và bồi dưỡng khi cần thiết. Đặc biệt, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo của Thủ đô; chú trọng việc thu hút các nguồn lực xã hội hóa công tác giáo dục.

Tại hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã trao tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 9 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ