Dinh thự nhà công tử Bạc Liêu - Trần Trinh Huy (tên thật Trần Trinh Quy, 1900-1974) toạ lạc tại số 13 đường Điện Biên Phủ, thành phố Bạc Liêu, do ông Trần Trinh Trạch (thường gọi hội đồng Trạch, cha công tử Bạc Liêu) xây dựng từ năm 1917 và hoàn thành hai năm sau đó. Ngôi nhà được trùng tu từ tháng 9-2022 và đón du khách tham quan trở lại từ tháng 1-2023 (giá vé 45.000 đồng/người).
Công trình do kỹ sư người Pháp thiết kế, mang phong cách kiến trúc Đông - Tây kết hợp. Hầu hết vật liệu dùng để xây dựng công trình và nội thất đều được mang về từ Paris. Nhiều hạng mục như hoạ tiết trên trần nhà do chính tay những người thợ Pháp thực hiện.
Dinh thự có thiết kế gồm hai tầng và một sân thượng. Cầu thang lên tầng hai được làm bằng đá cẩm thạch, chia làm 3 đoạn, mỗi đoạn 9 bậc tượng trưng cho sự trường tồn, vĩnh cửu.
Tầng một có 2 phòng ngủ, 2 đại sảnh khá rộng và khu vực cầu thang dẫn lên trên. Trên tầng hai còn có 3 phòng ngủ và hai đại sảnh khác rất tiện nghi, sang trọng.
Theo nhiều người kể lại, cầu thang gỗ dẫn lên sân thượng trước đây là nơi mà cha của công tử Bạc Liêu dùng để phơi tiền.
Từ hạng mục nhỏ như đèn cầu thang, đến các vật dụng trong nhà đều được thiết kế tinh xảo, đẹp mắt, toát lên vẻ xa hoa, tráng lệ.
Những vật dụng thời thượng thời đó như tivi, máy hát đĩa than, đồng hồ... đều được đưa về căn nhà, phục vụ nhu cầu giải trí của các thành viên trong gia đình công tử Bạc Liêu.
Những bộ bàn ghế trong gia đình đều được làm từ gỗ quý, chạm khắc, khảm trai tinh xảo và rất có giá trị, được bảo tồn gần như nguyên vẹn dù có tuổi đời hơn 100 năm.
Dấu mốc thời gian hoàn thành được khảm trên mặt bàn, bên cạnh hoạ tiết chim công, hoa lá tinh xảo.
Bộ bàn tròn cá hoá rồng trong nhà công tử Bạc Liêu
Không gian phòng khách tầng một toà nhà
Từ bàn ghế, nền gạch, vật trang trí treo tường...
...đều có giá trị vật chất và tính thẩm mỹ cao, độc đáo, phản ánh độ giàu có và "chịu chơi" của gia chủ
Chiếc giường của công tử Bạc Liêu có kích thước mặt giường 1.8x2m, được làm từ gỗ quý và thiết kế cầu kỳ, hiếm gặp
Bộ bàn và gương trang điểm trong ngôi nhà
Tranh khảm trai treo dọc cầu thang lên tầng hai
Ngôi nhà được thiết kế thoáng đãng với nhiều cửa sổ, ánh sáng tự nhiên ngập tràn
Bộ bàn xoay tam lân 10 ghế là nơi các thành viên trong gia đình quây quần
Chiếc xe sang mang biển hiệu NBK-018 của hãng Peugeot nổi tiếng được ông hội đồng Trạch mua để đón công tử Bạc Liêu sau khi du học Pháp trở về. Đây là chiếc xe hơi đắt nhất Việt Nam thời đó và cả nước chỉ có 2 chiếc (người sở hữu chiếc còn lại là vua Bảo Đại). Chiếc xe cổ này hiện được trưng bày ngay tại lối ra vào khi thăm nhà công tử Bạc Liêu.
Gia đình ông hội đồng Trạch có 7 người con (3 nam, 4 nữ), trong đó công tử Bạc Liêu - Trần Trinh Huy là con thứ hai, cũng là người nổi tiếng nhất với độ chơi ngông, gắn liền một loạt giai thoại.
Công tử Bạc Liêu có 4 người vợ chính thức, người vợ đầu là người Pháp trong thời gian ông đi học ở Paris, người vợ cuối kém ông 50 tuổi. Ngoài ra ông còn rất nhiều nhân tình. Những người con với vợ chính thức hay với các nhân tình đều được gia tộc Trần Trinh công nhận.
Khi ông hội đồng Trạch mất tại Sài Gòn năm 1942, tài sản được chia cho các con trai. Trong ảnh: Bàn thờ ông bà hội đồng Trạch đặt trên tầng hai nhà công tử Bạc Liêu, hàng ngày có người hương khói.
Những vật dụng của gia đình công tử Bạc Liêu được lưu giữ tới ngày nay
Du khách tham quan ngôi nhà và nghe kể về cuộc sống xa hoa, cũng như những thăng trầm của gia đình công tử Bạc Liêu - biểu tượng xa hoa một thời tại lục tỉnh miền Tây.