Bát nháo như taxi Hà Nội: Vi phạm tràn lan

ANTĐ - Taxi hoạt động lộn xộn, gây tắc nghẽn giao thông, lái xe taxi chống người thi hành công vụ, hay gắn chip gian lận cước… Hoạt động taxi trên địa bàn TP hiện rơi vào tình trạng khó quản lý dẫn đến buông lỏng.

Có biển cấm nhưng vẫn vô tư đón khách


Chống người thi hành công vụ, đua xe

Có lẽ, không thành phố cũng như quốc gia nào mà hoạt động vận tải hành khách bằng taxi lại đa dạng và hỗn loạn như Hà Nội hiện nay. Hàng trăm doanh nghiệp (DN) tham gia kinh doanh với hàng nghìn đầu xe. Ngay bản thân DN cũng khó quản lý xe và nhân viên của mình, cơ quan quản lý thì càng khó hơn. Những vụ việc vi phạm liên quan đến taxi ngày một nhiều hơn. Còn nhớ, vào tháng 8-2011, Phòng CSĐT về trật tự xã hội - CATP Hà Nội phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm đã bắt giữ 3 đối tượng tham gia đua xe, gây rối trật tự. Điều đặc biệt, cả 3 đối tượng này đều là lái xe taxi.

Trước đó, vào đầu tháng 7, một xe taxi thuộc hãng taxi Thành Công vượt đèn đỏ tại ngã 3 Nguyên Trãi - Nguyễn Quý Đức. Thiếu úy Trần Ngọc Long, thuộc Đội 7 - CSGT Hà Nội đã ra hiệu cho xe dừng lại. Tuy nhiên, lái xe không dừng xe, cố tình đâm vào chiến sĩ Long để bỏ chạy. Thiếu úy Long bị hất lên nóc capo kéo lê 600m, nhưng lái xe không dừng lại mà tiếp tục phóng xe. Đây chỉ là một trong số những vụ việc liên quan đến hành vi cố tình chống đối, vi phạm Luật Giao thông của nhiều lái xe taxi hiện nay. Và, gần đây nhất là vụ việc bắt chẹt khách nước ngoài. Theo hồ sơ từ phía Công an Hà Nội, lái xe của hãng taxi Phú Gia đã bắt 2 hành khách quốc tịch Singapore tham dự Đại hội đồng Intepol lần thứ 80 phải trả 200 USD và 100 đôla Singapore cho quãng đường hơn 10km.

Vi phạm chủ yếu của lái xe taxi là đỗ dừng đỗ sai nơi quy định

4-5 xe cũng thành lập DN

Những vụ việc xảy ra có liên quan đến taxi ngày một nổi cộm khiến dư luận bức xúc. Và, dù mới chỉ đi hết nửa quãng đường đợt thanh tra một số DN kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi của Thanh tra Bộ GTVT, nhưng đã có 2 DN bị đình chỉ, gồm hãng taxi Mùa Xuân và Phú Gia. Qua kiểm tra, những bất cập, buông lỏng trong quản lý hoạt động xe taxi cũng đã được bộc lộ.

Cụ thể, lực lượng thanh tra phát hiện, hãng taxi Mùa Xuân chỉ có 5 đầu xe. Ngoài ra, công ty này không có bộ máy điều hành, không đáp ứng được những điều kiện kinh doanh… Còn, với hãng taxi Phú Gia là tình trạng bán thương hiệu. Đơn vị này đăng ký 14 xe nhưng chỉ sở hữu 4 xe, còn lại là các xe của tư nhân góp và đi thuê. Hơn nữa, DN này còn không đăng ký logo. Ông Nguyễn Xuân Hào, Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết, hãng được mua đi bán lại nhiều lần và giám đốc hiện nay cũng vừa mua lại công ty được vài tháng, hiện taxi Phú Gia không có bộ máy điều hành cũng như hệ thống quản lý nên hoạt động khá lộn xộn. Hợp đồng giữa công ty và lái xe chỉ là hợp đồng sử dụng bộ đàm và đồng hồ tính cước. Mỗi tháng lái xe phải trả cho công ty 800.000 đồng để sử dụng dịch vụ này, còn lại không có thỏa thuận, ràng buộc nào khác. Đây chính là nguyên nhân lái xe taxi Phú Gia gây ra vụ việc nêu ở trên.

Không chỉ bát nháo, lộn xộn trong quản lý, mà tình trạng lái xe taxi phóng nhanh, vượt ẩu, bắt chẹt hành khách hay gian lận cước taxi cũng làm nhiều người bức xúc. Dễ dàng nhận thấy, tại các khu vực trước cửa nhà ga, bệnh viện, khách sạn, trung tâm thương mại… lái xe taxi hoạt động không tuân theo bất kỳ một quy định nào. Có thể dừng đỗ, quay đầu xe tùy tiện, miễn là thuận lợi cho việc bắt, đón và trả khách. Chị Nguyễn Thị Huyền, nhà ở quận Long Biên cho biết, hồi đầu tháng 10 chị đi công tác từ Đà Nẵng về Hà Nội, khi đến sân bay Nội Bài đã là nửa đêm. Chị bắt một xe taxi để về nhà, nhưng dọc đường chị thấy đồng hồ taxi chạy loạn xạ. Chị thắc mắc, thì lái xe bảo, hoặc là chị trả tiền (tắt luôn đồng hồ) hoặc là em cho chị xuống ở đây. Chị Huyền cho biết, vì thân gái đi đường nửa đêm, nên chị phải xuống nước nhẹ nhàng. Việc bắt chẹt hành khách, gian lận trong đồng hồ tính cước nêu trên chỉ là một trong hàng nghìn vụ việc bức xúc có liên quan đến taxi đang diễn ra hàng ngày trên địa bàn TP.

 “Hiện việc gắn đồng hồ tính cước trên taxi có 2 loại. Một loại có hộp chống xung điện. Loại này độ an toàn cao, khó gắn chip gian lận nhưng chi phí lắp đặt cao, ít DN áp dụng. Còn một loại chỉ gắn đồng hồ tính cước. Loại này dễ dàng gắn chip gian lận cước. Ngay việc kiểm tra của cơ quan chức năng cũng khó”, ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết.

(Còn nữa)