Bát nháo chất lượng gạo

(ANTĐ) - Bên cạnh chú trọng đến xuất khẩu thì thị trường gạo ăn trong nước dường như bị bỏ ngỏ. Tình trạng trà trộn các loại đặc sản với gạo bình dân diễn ra phổ biến trong khi việc kiểm soát tình trạng lạm dụng thuốc chống mối, mọt trong bảo quản gạo cũng đang bị buông lỏng.

Bát nháo chất lượng gạo

(ANTĐ) - Bên cạnh chú trọng đến xuất khẩu thì thị trường gạo ăn trong nước dường như bị bỏ ngỏ. Tình trạng trà trộn các loại đặc sản với gạo bình dân diễn ra phổ biến trong khi việc kiểm soát tình trạng lạm dụng thuốc chống mối, mọt trong bảo quản gạo cũng đang bị buông lỏng.

Pha trộn thu lời cao

Việc kiểm soát chất lượng gạo trên thị trường đang bị buông lỏng (ảnh minh họa)
Việc kiểm soát chất lượng gạo trên thị trường đang bị buông lỏng (ảnh minh họa)

Theo phản ánh của nhiều người tiêu dùng, càng ngày, tình trạng pha trộn các loại gạo ngon với gạo chất lượng bình thường để bán với giá cao, thu lợi nhuận càng diễn ra phổ biến. Chị Nguyễn Lê Anh, ở Thụy Khuê, Tây Hồ phản ánh, nhà chị hay ăn gạo Bắc Hương, song cùng một loại gạo, cùng mua ở một địa điểm nhưng chất lượng cơm nấu lên lại không hề giống nhau. Thời gian gần đây chị Anh cho biết, dù vẫn là gạo Bắc Hương, vẫn là mua tại cửa hàng cũ nhưng cơm ăn nhạt hẳn, hạt cơm cũng không còn dẻo như trước đó. “Ba tháng gần đây, tôi chuyển sang ăn gạo Tám Điện Biên, nhưng lần đầu mua còn thấy thơm, ngon, lần vừa rồi mua thấy hạt gạo không trong, bóng như lần trước. Khi nấu lên cơm cũng không thơm, không đậm như lần trước”, chị Anh nói.

Không riêng chị Anh, nhiều bà nội trợ đều gặp phải những trường hợp tương tự. Đặc biệt, khi giá gạo tăng cao, những loại gạo ngon, gạo thơm như Tám Xoan, Tám Hải Hậu, Tám Điện Biên… thường bị pha trộn nhiều nhất.

Bên cạnh đó, bấy lâu nay, người tiêu dùng còn gặp phải trường hợp lúc mua về gạo rất thơm nhưng khi nấu lên thì không thấy mùi thơm hoặc để trong thùng đựng nhiều ngày sau thì mất mùi. Điều này gần đây đã được Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn cảnh báo. Theo tổng công ty này, hiện trên thị trường tình trạng ướp hương liệu vào các loại gạo để thu hút người mua đang diễn ra tại nhiều điểm kinh doanh gạo. Trước thông tin này, chị Nguyễn Lê Anh cũng như một số người tiêu dùng cho rằng, điều này lý giải vì sao khi mua gạo có mùi thơm rất ngon, nhưng khi nấu lên thì không còn mùi thơm vậy nữa và khi để lâu lâu thì mùi thơm ở gạo cũng bay mất.

Kiểm tra, kiểm soát còn bỏ ngỏ

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn  Trí Ngọc, Cục trưởng cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT cho biết, với người tiêu dùng, rất khó để nhận định được đâu là gạo Bắc Hương, đâu là gạo Tám Điện Biên… mà gần như hoàn toàn tin tưởng vào người bán. Việc này tạo điều kiện cho các chủ kinh doanh gạo trà trộn giữa gạo phẩm chất cao, gạo thơm với gạo phẩm chất bình thường để kiếm lời. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tú Ngọc, việc kiểm tra lĩnh vực này hiện nay còn  bị bỏ ngỏ, dường như cơ quan chức năng cũng không đủ chuyên môn, nghiệp vụ để phân biệt rõ ràng từng loại gạo đang được bán trên thị trường hiện nay.

Bên cạnh việc các loại gạo đặc sản bị pha trộn thì vấn đề xử lý mối mọt trong kinh doanh gạo hiện nay cũng đang bị thả nổi. Thông thường, các kho, nhà chứa gạo của các cửa hàng kinh doanh gạo sẽ được xử lý mối, mọt đặt thuốc chuột. Tuy nhiên, về nguyên tắc các loại thuốc mối, mọt cũng như quy trình, liều lượng xử lý, loại thuốc sử dụng phải được sự kiểm soát của cơ quan chuyên môn. Nhưng hiện tại, toàn bộ các khâu trên đang bị thả nổi.

Theo tìm hiểu của PV, quy trình chống mối, mọt tại các cửa hàng gạo được thực hiện theo 2 cách, rải thuốc xuống nền rồi kê các bao gạo lên trên, hoặc dùng thuốc nước phun trực tiếp lên các bao gạo. Điều đáng nói, để tiết kiệm, người kinh doanh vẫn sử dụng các loại thuốc trôi nổi, thuốc ngoài luồng để chống mối, mọt gạo.

Theo cảnh báo của các chuyên gia, các chế phẩm diệt côn trùng dạng bình xịt của Trung Quốc dùng để phun ngoài bao gạo đều nằm trong danh mục hóa chất, chế phẩm cấm sử dụng trong gia dụng và lĩnh vực y tế. Các chế phẩm này được xác định có chứa hoạt chất thuộc nhóm phốt pho, tồn lâu trong môi trường, gây nhiễm độc đường hô hấp. Ông Bùi Sỹ Doanh, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT khuyến cáo, người kinh doanh không nên vì một chút lợi nhuận nhỏ mà coi thường sức khỏe của người tiêu dùng. Bởi, các loại hóa chất diệt mối, mọt, thuốc diệt chuột của Trung Quốc rất độc hại cho sức khỏe con người.

Để hạn chế việc mua phải gạo pha trộn, gạo nghi có ướp hương liệu, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên mua gạo ở những cửa hàng kinh doanh quen, không mua gạo trôi nổi, bán rong. Khi nấu cơm thấy có những hiện tượng lạ nên bỏ và thông báo cho cơ quan chức năng.

Ngân Tuyền