Báo Washington Post (Mỹ) phân tích 5 lý do khiến Trung Quốc không có bạn bè

ANTĐ - Sự thật Trung Quốc chỉ có vài người quen và rất ít bạn bè, trong khi Mỹ có hơn 50 đồng minh, tức khoảng 1/4 số quốc gia trên thế giới. Còn “đồng minh chiến lược” của Trung Quốc rất ít và rất xa cách. Báo Washington Post (Mỹ) ngày 8-7 đăng bài viết của tác giả Ali Wyne đã phân tích 5 lý do vì sao Trung Quốc gần như không có bạn bè trên thế giới, bởi thái độ hống hách, ngang ngược, không muốn liên minh và tư tưởng nước lớn theo đuổi cái gọi là “lợi ích cốt lõi”, “sự trỗi dậy hòa bình” đã ăn sâu, bám rễ trong ý thức hệ.

Về Lịch sử: Kinh nghiệm của Trung Quốc thời Chiến tranh lạnh khi vận động qua lại giữa Mỹ và Liên Xô đã hình thành sự thiếu thiện cảm đối với việc thành lập liên minh. Cho đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn luôn duy trì sự ác cảm đó. Năm 1982, Trung Quốc cam kết theo đuổi một “chính sách đối ngoại hòa bình độc lập, tự chủ”, theo học giả Feng Zhang (Đại học Quốc gia Australia): “Trung Quốc đã liên tục bác bỏ liên minh như là một nguyên tắc của chính sách đối ngoại, phỉ báng nó như là một tàn tích thời chiến tranh lạnh, không phù hợp với tinh thần của người Trung Quốc”.

Đặc biệt, khi soi xét chính sách xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Obama, Trung Quốc đã xem liên minh của Mỹ trong khu vực là một công cụ để kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Ý thức hệ: Trong khi tin rằng những giá trị của mình là đặc biệt, Trung Quốc không quan tâm đến một thách thức kiểu Liên Xô về dân chủ, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tư bản dân chủ. Nước này vẫn còn nhiều vấn đề nội tại khó khăn, nhất là nạn tham nhũng đang hoành hành trong bộ máy chính quyền, chênh lệch giàu - nghèo còn quá sâu sắc. Và khi những thực tế này vẫn còn tồn tại, Trung Quốc sẽ cảm thấy khó khăn, nếu không nói là không thể, để lôi kéo liên minh với các nước dân chủ.

Tư tưởng “cá to, ao nhỏ”: Lịch sử hàng nghìn năm của Trung Quốc, quy mô áp đặt (cả về dân số và lãnh thổ) và vị trí đầy thách thức (có 14 nước láng giềng), điều này có nghĩa những nghi ngờ của các nước láng giềng đối với Trung Quốc là sẵn có.

Những hành vi của Trung Quốc trong những năm gần đây như: tự tuyên bố chủ quyền chiếm trọn 80% Biển Đông; gia tăng gây sức ép và thỉnh thoảng dùng vũ lực để khẳng định chủ quyền đối với những khu vực tranh chấp và áp dụng quan niệm ngày càng quyết liệt về lợi ích cốt lõi - đã làm xói mòn hơn nữa khả năng của Trung Quốc để đạt được “sự trỗi dậy hòa bình” trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trung Quốc chủ yếu tập trung vào phát triển nội bộ: Trong khi hành vi của Trung Quốc với các nước láng giềng ngày càng cứng rắn, vượt ra ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương thường chỉ là giao dịch. Đất nước này chủ yếu chỉ quan tâm đến việc nuôi dưỡng các mối quan hệ kinh doanh với các nước khác.

Trung Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác kinh tế trên toàn thế giới bằng việc gia tăng các khoản cho vay và xây dựng cơ sở hạ tầng để đổi lấy những hàng hóa quan trọng, nhưng ít chú ý đến bản chất của các Chính phủ mà nước này đang tương tác. Vì vậy có một khoảng cách đáng kể giữa các thỏa thuận kinh doanh và liên minh bền chặt.

Trung Quốc đã tăng trưởng quá nhanh: Chuyên gia Quỹ Marshall của Đức - Daniel Kliman gần đây so sánh sự trỗi dậy của Trung Quốc trong thời gian 30 năm (1982 - 2012) với Mỹ (1870 - 1900), Đức (1870 - 1900), Liên Xô (1945 - 1975), Nhật Bản (1960 - 1990) về phần tăng trưởng kinh tế, thương mại và chi tiêu quân sự toàn cầu, đã kết luận rằng: “Trong 30 năm tăng trưởng, Trung Quốc đã đi xa hơn, nhanh hơn so với bất kỳ các cường quốc nổi lên khác trong nhóm so sánh”.Tuy nhiên, bất kỳ sự gia tăng với cường độ như vậy cũng ẩn chứa những rủi ro lớn, nhất là khi nó xảy ra trong việc trở thành siêu cường của thế giới.

Trong khi Trung Quốc ủng hộ một cấu trúc an ninh khu vực mới nhằm làm giảm sự nổi bật của các liên minh của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc lại không xem xét lại tư thế cơ bản của mình về sự hình thành liên minh.