Bảo vệ an toàn cho trẻ em ở nhà mùa dịch Covid-19

ANTD.VN - Vụ việc mới đây 1 học sinh 10 tuổi ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) bị điện giật tử vong khi chuẩn bị bước vào giờ học trực tuyến, là cảnh báo đau xót trước nguy cơ tai nạn trẻ phải đối mặt khi phải ở nhà phòng dịch. Điều này cũng đặt ra việc đảm bảo an toàn cho trẻ khi sử dụng các thiết bị điện cũng nhưng các rủi ro khác khi trẻ ở nhà để phòng ngừa những tạn nạn có thể xảy ra.

Nhà chị Thu Phương – Ba Đình- Hà Nội có 3 con nhỏ. Trong đó bạn lớn 11 tuổi Nam Anh nghỉ dịch nên ở nhà học online. Với mong muốn con phải tự lập trong việc học, gia đình chị đã bố trí thiết bị máy tính riêng cho con, nhưng trước khi con vào học, mọi phương tiện kĩ thuật đều phải kiểm tra kĩ càng.

Ngoài giờ học, Nam Anh cũng giúp được ba mẹ rất nhiều công việc nhà.. Tuy nhiên, những việc như nấu nướng sử dụng bếp ga, sử dụng dao.. luôn phải có người lớn bên cạnh giám sát.

Không chỉ quan tâm về các thiết bị trong nhà, ban công của các chung cư cũng là mối nguy hiểm tiền ẩn đối với trẻ nhỏ. Ở tầng 11 của chung cư trên đường Phạm Văn Đồng – Hà Nội, chị Thu Hà và gia đình cũng phải trang bị các thiết bị bảo vệ… làm sao để các con phải được an toàn trong chính ngôi nhà của mình.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, học sinh, trẻ nhỏ phải nghỉ học ở nhà…Vì vậy, nếu thiếu sự quan tâm của người lớn có thể khiến trẻ em gặp hiểm họa, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn cho chính mình hoặc người xung quanh.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm tại Việt Nam có tới 370.000 trẻ em bị tai nạn thương tích.

Trong đó, trẻ có thể gặp nhiều nguy cơ tiềm ẩn như hỏa hoạn, điện giật, va đập gây thương tích ngay chính trong ngôi nhà của mình. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần phải chú ý một số vấn đề sau:

1. Vào thời điểm trẻ học online: Cần chú ý nguồn điện khi kết nối với máy điện thoại, máy tính;

2. Cần chú ý khóa bình ga, tắt bình nóng lạnh, dùng băng keo dán các ổ cắm điện mà trẻ dễ tiếp cận trong nhà; dạy trẻ nhận biết các thiết bị điện và vật gây nguy hiểm;

3. Cần dặn con tuyệt đối không trèo leo tại ban công, cầu thang đề phòng ngã từ trên cao;

4. Để, đặt các loại đồ chơi của trẻ tại các khu vực thấp, trên mặt sàn, hạn chế cất đồ chơi thường dùng của trẻ ở các vị trí cao như nóc tủ, kệ để đồ... vượt tầm cao của trẻ nhỏ gây sự tò mò, hiếu kỳ và leo trèo làm đổ các vật dụng gây tai nạn, thương tích.