Bảo tàng Hà Nội mở cửa

(ANTĐ) - Bảo tàng Hà Nội, công trình được người dân Hà Nội mong chờ từ nhiều năm nay đã chính thức khánh thành và đi vào hoạt động bắt đầu từ sáng qua, 6-10. Chính thức khởi công từ tháng 5-2008, Bảo tàng Hà Nội được xây dựng trên khu đất rộng 53.963m2 nằm trong khuôn viên Trung tâm hội nghị Quốc gia với tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng. Tổng diện tích sàn công trình khoảng trên 30.000m2.

Bảo tàng Hà Nội mở cửa

(ANTĐ) - Bảo tàng Hà Nội, công trình được người dân Hà Nội mong chờ từ nhiều năm nay đã chính thức khánh thành và đi vào hoạt động bắt đầu từ sáng qua, 6-10. Chính thức khởi công từ tháng 5-2008, Bảo tàng Hà Nội được xây dựng trên khu đất rộng 53.963m2 nằm trong khuôn viên Trung tâm hội nghị Quốc gia với tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng. Tổng diện tích sàn công trình khoảng trên 30.000m2.

Trưng bày tháp đất nung thời Lý - thuộc bộ sưu tập Cửa Đông

Bảo tàng được thiết kế theo hình kim tự tháp ngược, giật cấp với bốn tầng nổi và hai tầng hầm, mỗi tầng trên vươn ra so với tầng kề dưới 5m. Sau hơn 2 năm thi công, với những nỗ lực cao nhất của tập thể cán bộ công nhân, cùng với sự đồng thuận và hỗ trợ của nhiều cơ quan, ban, ngành, Dự án Bảo tàng Hà Nội đã hoàn thành đúng tiến độ. Tới dự và phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc xây dựng Bảo tàng Hà Nội là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. 5 vạn hiện vật đang được lưu giữ trong bảo tàng cần trưng bày cho người dân nghiên cứu, học tập, tham quan, để hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử quá khứ của cha ông và của Thủ đô Hà Nội... Nếu không bảo tồn, giữ gìn, khai thác, phát huy di sản thì chúng ta chẳng những có tội với lịch sử, với tiền nhân, mà còn có lỗi với các thế hệ mai sau.

Cũng trong ngày khánh thành, Bảo tàng Hà Nội đã giới thiệu tới người xem các bộ sưu tập cổ vật đặc sắc mang chủ đề “Hà Nội xưa và nay” cùng những hiện vật mà Bảo tàng Hà Nội sưu tầm được trong nhiều năm qua, giới thiệu tổng quan về lịch sử tự nhiên, quá trình phát triển của Hà Nội từ thời kỳ tiền Thăng Long đến nay. Bảo tàng cũng giới thiệu các hiện vật thuộc các sưu tập tư nhân với các chất liệu phong phú từ đồng, gốm sứ, gỗ, vải đến tiền cổ. Đến với các gian trưng bày này, người xem thực sự ấn tượng bởi sự độc đáo của các hiện vật. Đặc biệt nhất phải kể đến bộ sưu tập với 200 món đồ thuộc nhóm sưu tập Cửa Đông, giới thiệu tới người xem sưu tập trống đồng Đông Sơn với 8 chiếc có niên đại từ 2.000 đến 2.500 năm, cùng bộ sưu tập những hiện vật đất nung thời Lý.

Vân Quế

Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu nêu rõ: Bảo tàng Hà Nội thực sự là một công trình có ý nghĩa lớn lao về nhiều mặt, là công trình văn hóa tiêu biểu, ghi dấu ấn của thời kỳ Thủ đô đổi mới, hội nhập và phát triển. Tại đây, chúng ta có dịp ngắm nhìn những hiện vật của thời tiền sử, những hiện vật tinh xảo của thời kỳ Đông Sơn rực rỡ; một hiện vật tiêu biểu nhất cho sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, đó là bức thư của các công dân Thủ đô Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh gửi tới mai sau.