Sơ đồ dự kiến vị trí và đường đi cơn bão số 5 (Ảnh: TT DBKTTV Trung ương)
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cơn bão số 5 vẫn còn xa bờ, nên chưa thể xác định chính vùng tâm bão cũng như xác định Hà Nội có nằm trong vùng tâm bão hay không. Ngày mai 30-9, khi cơn bão tiến gần đất liền, kết hợp với ảnh hưởng của đợt không khí lạnh, các tỉnh miền Bắc, miền Trung xuất hiện mưa lớn, có thể gây ngập lụt.
Trong khi các tỉnh miền Trung còn đang gồng mình bởi hoàn lưu của bão số 4, chuẩn bị tinh thần ứng phó với bão số 5 thì hiện ở phía Đông của Philippines, chiều 28-9 lại vừa xuất hiện thêm một cơn bão khác có tên quốc tế là Nalgae. Cơ quan khí tượng Nhật Bản dự báo, khoảng ngày 1-10, bão Nalgae sẽ đi qua Philippines, tốc độ di chuyển khá nhanh, từ 15-20km/h. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương lo ngại, do sự xuất hiện của bão Nalgae nên hướng đi của bão số 5 Nesat có thể thay đổi.
Đáng lo ngại nữa, hiện các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nước lũ vẫn tiếp tục lên. Đặc biệt, tại tỉnh An Giang, nhiều tuyến đê đã bị vỡ nghiêm trọng ở huyện Châu Thành, Châu Phú… Trong khi đó, ông Bùi Minh Tăng cho biết, 1 - 3 ngày tới, lũ hạ lưu sông Mê Kông từ Cảng Phnôm Pênh về Việt Nam sẽ lần lượt đạt đỉnh. Tính đến thời điểm hiện tại, mưa lũ đã làm 4 người thiệt mạng.
Trước lo ngại ảnh hưởng của bão số 5 sẽ làm tình hình lũ lụt ở miền Trung trầm trọng thêm, chỉ đạo tại cuộc họp BCĐ PCLB Trung ương hôm qua 28-9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu tất cả các địa phương, các lực lượng sẵn sàng phương án ứng phó. Đồng thời, cần tranh thủ khoảng lặng giữa 2 cơn bão để dồn sức cứu lúa, thu hoạch triệt để những diện tích lúa, hoa màu có thể thu hoạch được. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra kỹ tình hình hồ chứa, hầm mỏ, đê điều, các điểm có khả năng sụt lở, các điểm có thể xảy ra lũ quét để có phương án ứng phó ngay.
Cũng trong ngày hôm qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn gửi các bộ, ngành và UBND các tỉnh từ Quảng Ninh tới Phú Yên yêu cầu triển khai lực lượng sẵn sàng đối phó với bão số 5.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương căn cứ diễn biến của bão và tình hình cụ thể ở địa phương để quyết định: cấm tàu thuyền ra khơi, thực hiện sơ tán dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, trong các nhà yếu sang nhà kiên cố, trên tàu thuyền, trên các đầm, chòi canh, nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ vào; cho học sinh nghỉ học; tổ chức lực lượng canh gác đảm bảo an ninh trật tự ở những khu vực phải di dời dân đi.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, hôm qua 28-9, Bộ Công an đã có công điện khẩn gửi các tổng cục và giám đốc công an các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh tới Phú Yên yêu cầu, trực ban 24/24h, thường xuyên theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của bão, mưa lũ để chủ động đối phó. Giám đốc công an các tỉnh ven biển phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc lệnh cấm biển của chủ tịch UBND các tỉnh, thành, không để tàu thuyền ra khơi. Công an các tỉnh miền Trung chuẩn bị lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm sẵn sàng trong các tình huống có mưa, lũ lớn, sạt lở đất gây chia cắt; công an các tỉnh miền núi, trung du có phương án cho vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, sẵn sàng lực lượng, phương tiện bảo đảm an toàn người và tài sản…
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng yêu cầu các đơn vị sẵn sàng phương tiện, lực lượng, tham gia phòng chống lụt bão, giúp dân, cứu hộ, cứu nạn, huy động lực lượng tham gia giúp nhân dân thu hoạch lúa. Lưu ý, bảo quản tài sản, hồ sơ tài liệu không để hư hại ở những nơi có nguy cơ bị ngập úng…