Bão số 3 gây mưa lớn, biển động dữ dội, sóng biển cao 7-9m

ANTĐ - Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương tiếp tục nhận định bão số 3 là một cơn bão mạnh, có tốc độ di chuyển rất nhanh và diễn biến phức tạp, dự báo trưa mai, 16-9, bão sẽ đi vào Vịnh Bắc bộ.
Hồi 13h ngày 15-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,4 độ vĩ Bắc; 116,3 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 480km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 13h ngày 16-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh – Hải Phòng khoảng 260km về phía Đông Đông Nam. 

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8 - 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11 - 13, giật cấp 15 – 16, sóng biển cao 7 - 9m. Biển động dữ dội. 

Đường đi của bão số 3 (Ảnh: nchmf.gov.vn)

Từ chiều tối 16-9, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương có gió mạnh cấp 8 – 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10 – 11, giật cấp 12 – 13. Các nơi khác ở khu Đông Bắc và đồng bằng Bắc bộ có gió mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8. Vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 4 – 5m. Ở Bắc bộ từ đêm 16-9 có mưa vừa, mưa to, riêng khu Đông Bắc và vùng núi phía bắc có mưa to đến rất to.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão (BCĐPCBL) Trung ương Cao Đức Phát chủ trì cuộc họp với các thành viên BCĐ và đại diện Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn bàn giải pháp ứng phó bão.

Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đưa ra những khả năng khi bão Kalmaegi đi vào biển Đông, trong đó lưu ý bão đổ bộ vào đất liền có thể gây mưa từ 100-200mm, cục bộ có nơi lên đến 300mm.  

Các thành viên BCĐ cho rằng, công tác trọng tâm hiện nay là tập trung kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển khẩn trương vào bờ hoặc di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm khi bão đổ bộ vào biển Đông. 

Thông tin từ văn phòng BCĐPCLB Trung ương cho biết, hồi 6h30 ngày 15-9, Biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 75.000 tàu, thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản cùng khoảng 310.000 lao động biết diễn biến của bão số 3 để chủ động phòng tránh.

Tại Bình Định, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết đến 9h ngày 15-9, hầu hết tàu thuyền của tỉnh đang hoạt động trên các ngư trường ở khu vực biển Đông nhận được thông tin về bão Kalmaegi (bão số 3) và đang trên đường di chuyển tìm nơi ẩn trú an toàn; đồng thời chuẩn bị các phương tiện sẵn sàng ứng cứu nếu có tình trạng tàu cá bị gặp nạn trên biển.

Tại Thái Bình, Ban chỉ huy phòng chống bão lụt tỉnh Thái Bình đã nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ trưa ngày 15-9; yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp, các ngành trên địa bàn khẩn trương rà soát toàn bộ số tàu thuyền, tiếp tục kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển, trên sông di chuyển ngay vào nơi tránh bão an toàn; bố trí, sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu, tránh va đập gây vỡ và chìm tàu, không để người ở lại trên tàu, thuyền tại nơi neo đậu; tổ chức di chuyển toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy hải sản ngoài đê chính, ngư dân trên các tàu, thuyền đã vào khu neo đậu, người ở các khu vực nguy hiểm và ở trong các nhà yếu đến nơi an toàn; bảo vệ an toàn các trọng điểm đê xung yếu; tổ chằng chống nhà cửa, công trình, kho tàng, bến bãi đảm bảo an toàn trong trường hợp bão đổ bộ...